Mỹ đánh Trung Quốc đúng ‘chỗ hiểm’, nhưng Bắc Kinh còn một ‘độc chiêu’

Trung Quốc đang kiểm soát 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu
Trung Quốc đang kiểm soát 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu
TPO - Mỹ đánh Trung Quốc đúng vào “chỗ hiểm” là công ty Huawei, nhưng điều trớ trêu là Bắc Kinh đang kiểm soát nguồn cung đất hiếm được sử dụng để sản xuất điện thoại thông minh và ô tô điện, một ngón võ hiểm trong cuộc chiến công nghệ giữa đôi bên.

Một chuyến viếng thăm có vẻ như là “thường lệ” của chủ tịch Tập Cận Bình tới một công ty đất hiếm của Trung Quốc tuần này được coi như một lời đe dọa rõ ràng rằng Bắc Kinh sẵn sàng hành động, theo bài báo đăng trên Space Daily.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Trung Quốc có vẻ chưa sẵn sàng sử dụng tới võ này, có thể do lo ngại “tự bắn vào chân mình” khi khiến cả thế giới đổ đi tìm nguồn cung khác thay thế.

Trong khi  không có lời bình luận nào của ông Tập trong chuyến viếng thăm được tiết lộ, mỗi lần ông xuất hiện đều mang một thông điệp chính trị và sự kiện lần này không phải là ngoại lệ.

“Việc này không phải là tình cờ, là ngẫu nhiên”, Lý Minh Giang, điều phối viên chương trình Trung Quốc của Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore nói.

“Tại thời điểm này, rõ ràng giới quyết sách ở Trung Quốc đang cân nhắc khả năng sử dụng lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm làm đòn tấn công Mỹ”.

Tuần trước, Mỹ đe dọa cắt nguồn cung linh kiện, công nghệ Mỹ cho Huawei, công ty Mỹ nghi ngờ có dính dáng đến quân đội Trung Quốc.

Động thái của Mỹ đã làm thổi bùng lên đồn đoán rằng ông Tập có thể sử dụng các biện pháp trả đũa. Và trong một chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của đất hiếm đối với Mỹ, Washington không đưa loại hàng hóa này vào danh mục bị tăng thuế lần này.

Trung Quốc sản xuất hơn 95% sản lượng đất hiếm của thế giới và Mỹ phụ thuộc Trung Quốc 80% nhu cầu về loại nguyên liệu này.

Đất hiếm là 17 loại chất có tầm quan trọng đặc biệt trong sản xuất nhiều đồ điện tử, từ điện thoại thông minh cho tới tivi, máy ảnh hay bóng đèn.

Thực tế này mang lại cho Bắc Kinh một công cụ mặc cả cực lớn trong cuộc chiến với Mỹ để giành lấy vị thế bá chủ tương lai  của công nghệ thế giới.

“Trung Quốc có thể đóng cửa gần như mọi dây chuyền sản xuất ô tô điện, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay bên ngoài nước này nếu họ chọn phương án cấm vật đất hiếm”, James Kennedy, chủ tịch hãng tư vấn ThREE Consulting, viết trên tạp chí quân sự National Defense của Mỹ.

Trước đây Trung Quốc từng bị cáo buộc sử dụng đất hiếm làm đòn bẩy cho các mục đích chính trị. Các nguồn tin công nghiệp Nhật Bản  nói Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu đất hiếm trong thời điểm năm 2010 khi tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Bắc Kinh bác bỏ việc này.

Năm 2014, WTO phán quyết rằng Trung Quốc đã vi phạm luật thương mại toàn cầu khi hạn chế xuất khẩu đất hiếm.

Vụ việc do Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật đứng đơn khởi kiện, cáo buộc Trung Quốc ngăn cản xuất khẩu để tạo ra lợi thế cho các công ty công nghệ của họ trước các đối thủ nước ngoài. Trung Quốc viện dẫn lý do xâm hại môi trường từ hoạt động khai mỏ để đáp lại.

Mặc dù có thể gây ra xáo trộn, động thái ngăn chặn xuất khẩu đất hiếm có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chuyên gia nói. “Việc đó sẽ khiến người ta tăng tốc tìm các nguồn khác thay thế, Kokichiro Mio, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc của viện nghiên cứu NLI (Nhật Bản), nói.

Trung Quốc không phải nước duy nhất có nguồn đất hiếm dồi dào. Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ năm ngoái ước tính rằng trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới là 120 triệu tấn trong đó Trung Quốc 44 triệu tấn, 22 triệu tấn ở Brazil và 18 triệu tấn ở Nga.

Tại Việt Nam, trữ lượng đất hiếm khoảng 20 triệu tấn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, theo một tài liệu được dẫn trên báo chí.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.