Mỹ rảnh tay bước vào cuộc đua tên lửa với Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại Seoul ngày 9/8. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo tại Seoul ngày 9/8. (Ảnh: Reuters)
TPO - Trên bề mặt, lý do chính dẫn đến việc Mỹ gần đây rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận. Nhưng sâu xa hơn, giới chuyên gia cho rằng động lực và mục tiêu chính của Washington là Bắc Kinh.

Hiệp ước được Tổng thống Mỹ Donald Reagan và người đồng cấp Liên Xô Mikhail Gorbachev ký năm 1987 để loại bỏ các loại tên lửa đạn đạo mặt đất, tên lửa hành trình tầm ngắn và tầm trung và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp ước này sau khi Nga từ chối phá bỏ hệ thống tên lửa tầm trung mới mà Washington và các đồng minh NATO cho là vi phạm các điều khoản.

Nhưng lý do quan trọng hơn đằng sau hành động của Mỹ là Washington tin rằng hiệp ước không còn phù hợp với tình hình địa chính trị mới, khi Trung Quốc sở hữu kho tên lửa “lớn nhất và đa dạng nhất” thế giới, trong đó có các loại DF-21 và DF-26, theo báo cáo của Mỹ. 

Các nhà phân tích nói rằng việc Trung Quốc triển khai hàng loạt tên lửa là nhằm làm suy yếu khả năng phòng thủ của Đài Loan. Chúng cũng nhằm vào đảo Guam và các căn cứ quân sự chủ chốt khác của Mỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và những  nơi khác ở khu vực, đồng thời ngăn Mỹ tiếp cận khu vực này. Bắc Kinh cũng đưa thiết bị quân sự và vũ khí ra các đảo nhân tạo trên biển Đông. 

Ra khỏi hiệp ước, Washington giờ có thể tự do cạnh tranh với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đã có trong tay rất nhiều tên lửa nằm trong phạm vi quy định của INF. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, 80% tên lửa của Trung Quốc có tầm xa thuộc diện hạn chế của INF. 

Washington tin rằng họ ngày càng khó bảo vệ mình và các đồng minh bằng “tấm khiên”, bao gồm hệ thống phòng thủ Patriot, mà còn cần “mũi tên” để có thể chống lại kẻ thù. 

Hai tuần sau khi rút khỏi INF, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo đầu tuần này rằng họ vừa thử tên lửa hành trình mặt đất tầm trung mới. Ông Esper nói rằng Mỹ muốn đưa thế hệ tên lửa tầm trung mới đến châu Á – Thái Bình Dương “càng sớm càng tốt”. Việc đó không phải nhằm đối phó với Nga, mà là Trung Quốc, nước mà Washington coi là đối thủ chiến lược đáng gờm hơn. 

Mấu chốt của vấn đề là Mỹ sẽ đặt tên lửa mới ở đâu. Trung Quốc đã dọa sẽ trả đũa nếu Mỹ đưa tên lửa đến khu vực, và rằng các đồng minh của Mỹ, gồm Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ lãnh hậu quả nếu tiếp nhận vũ khí của Mỹ. Đó là lý do ông Esper, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton vội vã sang thăm các đồng minh trong vài tuần qua. 

INF sụp đổ 17 năm sau khi Tổng thống Mỹ George W. Bush rút khỏi Hiệp tước chống tên lửa đạn đạo. Hiệp ước New Start, sẽ hết hạn vào năm 2021, là thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga. 

Những hiệp ước này, không bao gồm Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan và Israel, tạo nên cấu trúc kiểm soát vũ khí từ sau giai đoạn Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. 

Giờ đây, Trung Quốc xếp thứ ba về sức mạnh quân sự thế giới, theo chỉ số sức mạnh quốc phòng Global Firepower 2019. Nhưng nước có lực lượng vũ trang lớn nhất và chi tiêu quốc phòng nhiều thứ nhì thế giới này đang trên đường vượt qua Nga để trở thành đối thủ chính của Mỹ. 

Sự sụp đổ của INF sau 32 năm không chỉ cho thấy quan hệ Nga – Mỹ xấu đi, mà còn mở ra nguy cơ chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Thêm nhiều tiền sẽ được chi cho phát triển vũ khí hiện đại, như tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom, trong bối cảnh lo ngại toàn cầu gia tăng về khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Washington ít hứng thú với bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí truyền thống hay hạt nhân nào với Nga nếu Trung Quốc không tham gia. Còn Bắc Kinh đã thẳng thừng gạt bỏ đề nghị đó. 

Thế giới sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của địa chính trị hạt nhân và khả năng lặp lại kịch bản tồi tệ nhất của khủng hoảng tên lửa Cuba 1962, khi Mỹ và Liên Xô rơi vào đối đầu hạt nhân, nếu các cường quốc hạt nhân hiện nay là Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác không đạt được thỏa thuận đa phương mới về kiểm soát vũ khí. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Đối tượng Thành tại cơ quan công an.
Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố
TPO - Ngày 19/4, Công an thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng cho biết, vừa ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Trung Thành (SN 2000, trú tại phường Hợp Giang, TP Cao Bằng) về hành vi “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.