Mỹ thay đổi nhiều chính sách đối ngoại

Tổng thống Biden, bên cạnh là ngoại trưởng Blinken, nói chuyện với các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: WSJ
Tổng thống Biden, bên cạnh là ngoại trưởng Blinken, nói chuyện với các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: WSJ
TP - Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cảnh báo rõ ràng về những diễn biến ở Nga và Myanmar, đồng thời cho biết ông sẽ chấm dứt hỗ trợ của Mỹ đối với cuộc chiến do Ả Rập Xê-út dẫn đầu ở Yemen, đồng thời nhấn mạnh các thỏa thuận đa phương và nhân quyền, theo Wall Street Journal.

Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Biden tuyên bố thay đổi một số ưu tiên chính sách ở nước ngoài, bao gồm việc ngừng hỗ trợ Mỹ cho các hoạt động tấn công ở Yemen, gia tăng hạn mức người tị nạn được Mỹ chấp nhận và đình lại việc rút quân khỏi Đức.

Ông Biden đã sớm đối mặt với những thách thức về chính sách đối ngoại, bao gồm việc phe quân sự tiếp quản chính quyền ở Myanmar, việc giam giữ lãnh đạo đối lập ở Nga Alexei Navalny.

Ông Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự ở Myanmar từ bỏ quyền lực, trả tự do cho những người bị giam giữ và dỡ bỏ tình trạng mất liên lạc viễn thông. Ông cũng yêu cầu Nga thả Navalny, người bị kết án hơn hai năm tù, “được trả tự do ngay lập tức và không có điều kiện”.

“Tôi đã nói rất rõ ràng với Tổng thống Putin theo một cách rất khác so với người tiền nhiệm của tôi rằng những ngày Mỹ im lặng trước hành động gây hấn của Nga, như can thiệp bầu cử, tấn công mạng”, ông Biden nói, đề cập cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga.

Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chuyện với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và “nhắc lại quyết tâm của Tổng thống Biden trong việc bảo vệ công dân Mỹ và hành động kiên quyết để bảo vệ các lợi ích của Mỹ”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Một số đảng viên Cộng hòa chỉ trích quyết định của ông Biden khi cho phép Mỹ tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn. “Việc tăng giới hạn tiếp nhận người tị nạn lên mức cao nhất trong ba thập kỷ sẽ khiến việc làm và sự an toàn của người Mỹ gặp rủi ro trong một đại dịch”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton nói.

Chính quyền Biden phải đối mặt với tình trạng chỉ có một “bộ công cụ hạn chế” để giải quyết cuộc đảo chính ở Myanmar, vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nhà lãnh đạo quân sự có thể không thay đổi hành vi của họ ở khu vực bị Trung Quốc thống trị về kinh tế. Các biện pháp trừng phạt kinh tế rộng rãi cũng có thể làm tổn thương thái độ đối với phương Tây trong các cuộc bầu cử trong tương lai .

Với Nga, Mỹ đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kể từ cuộc xung đột ở Ukraine (Mỹ nói Nga hậu thuẫn lực lượng ly khai-PV) và việc sáp nhập Crimea.

Tổng thống Biden nói ông có ý định tăng số lượng người tị nạn được chấp nhận vào Mỹ sau nhiều năm xuống mức thấp lịch sử dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump, theo CNN. Chính quyền Trump đã đặt giới hạn 15.000 người trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1980. Hôm thứ Năm, ông Biden nói sẽ tăng giới hạn chấp nhận tị nạn lên 125.000 người trong năm tài chính đầu tiên của nhiệm kỳ và sẽ chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc với quốc hội về vấn đề này.

Phát biểu của ông Biden báo hiệu sự chuyển hướng từ cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia nơi quan hệ của Mỹ trở nên xấu đi dưới thời chính quyền trước đó, chẳng hạn như Đức và các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Ông Biden thừa nhận sự cần thiết phải thiết kế lại chính sách đối ngoại theo hướng có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ, cho rằng sức mạnh ở nước ngoài có liên quan đến sự thịnh vượng trong nước.

Ông Trump thường chỉ trích các liên minh sau Thế chiến II của Washington, coi các thành viên NATO là đối thủ cạnh tranh kinh tế, nên trả nhiều tiền hơn đáng kể  để được bảo vệ quân sự.

MỚI - NÓNG