Mỹ - Trung dồn dập phô diễn uy lực trên biển Đông

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trên biển Đông hôm 10/4. Ảnh: AP.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trên biển Đông hôm 10/4. Ảnh: AP.
TP - Một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ vừa thăm Philippines, sau khi tuần tra qua biển Đông. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa tập trận hải quân quy mô lớn ở khu vực và tiếp tục các hoạt động quân sự hóa biển Đông ở mức đáng báo động.

Hôm qua, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và 65 máy bay siêu thanh F-18, máy bay do thám, trực thăng cùng tàu tuần dương Carrier Air Wing 17 và tàu tuần dương USS Bunker Hill đến Manila để thực hiện chuyến thăm theo kế hoạch đã định. Đây là lần thứ hai trong năm nay Mỹ đưa tàu sân bay đến Philippines sau khi tuần tra khu vực tranh chấp trên biển Đông và thách thức các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Manila, thủy thủ đoàn, trong đó có lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa và cộng đồng để thúc đẩy quan hệ với Philippines. “Philippines từ lâu đã là một phần của lịch sử Hải quân Mỹ, và chúng tôi chờ đợi được tiếp tục quan hệ đối tác giá trị đó”, báo Philstar dẫn lời Đô đốc Steve Koehler, tư lệnh nhóm tàu sân bay tấn công số 9, phát biểu tại Manila.

Sau chuyến thăm Manila, nhóm tàu USS Theodore Roosevelt sẽ thực hiện nhiệm vụ ở Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của nhóm tàu này là thực hiện các hoạt động giải quyết vấn đề an ninh biển, xây dựng quan hệ với các hải quân đối tác, thúc đẩy tương tác và trao đổi với các đối tác, đồng minh ở khu vực. Trên đường đến Manila, Hải quân Mỹ đón một nhóm quan chức quân đội và phóng viên Philippines lên thăm tàu Theodore Roosevelt. “Đây là sự thể hiện năng lực của lực lượng vũ trang Mỹ, không chỉ trên biển mà cả trên không. Người Mỹ là bạn của chúng ta. Theo cách này hay cách khác, họ có thể giúp chúng ta ngăn cản bất kỳ mối đe dọa nào”, Trung tướng Rolando Bautista thuộc quân đội Philippines nói sau chuyến thăm tàu sân bay có lượng giãn nước 97.000 tấn.

Giới quan sát cho rằng, việc Mỹ gần đây liên tục cử các tàu sân bay và tàu khu trục hộ tống đến biển Đông thực hiện các hoạt động tự do hàng hải thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc là để trấn an các đồng minh nhưng cũng khiến Trung Quốc có cớ triển khai các hoạt động phô trương sức mạnh trên vùng biển nhộn nhịp này.

Rủi ro tăng lên

Ít nhất 2 lần trong năm nay Hải quân Mỹ đã đưa tàu khu trục đến thực hiện hoạt động khẳng định tự do hàng hải gần bãi cạn Scarborough gần Philippines mà Trung Quốc đang chiếm đóng và đá Vành Khăn mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1995. Tàu sâu bay Mỹ USS Carl Vinson gần đây vừa có chuyến thăm khu vực và tham gia đợt tập trận chống tàu ngầm trên biển Đông với Nhật Bản.

Trung Quốc cho rằng đây là cách Mỹ can dự vào xung đột ở châu Á, và nhắc lại cảnh báo Washington nên tránh xa. Trong khi đó, Bắc Kinh vừa thực hiện một đợt tập trận quy mô lớn trên biển Đông với sự tham gia của chiếc tàu sân bay duy nhất của nước này. Không quân Trung Quốc tuyên bố, gần đây họ cử các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom tân tiến nhất ra “tuần tra chung” trên khu vực này. Trong số đó có các máy bay ném bom chiến lược K-6K mang theo tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm xa DH-20, có khả năng bắn trúng mục tiêu đến cả Úc, cùng các máy bay Su-34 do Nga sản xuất.

Các nhà phân tích cho rằng, mục đích chính của đợt tập trận là để nâng cao khả năng sẵn sàng của lực lượng Trung Quốc và cũng là để gửi đi một thông điệp chính trị rằng nước này sẵn sàng sử dụng chính sách đối đầu để đối phó chính sách đối đầu. Ngoài ra, Trung Quốc vừa lắp đặt trên hai tiền đồn ở biển Đông các thiết bị phá tín hiệu radar và thông tin liên lạc. Đây được cho là bước đi đáng kể trong quá trình quân sự hóa biển Đông mà nước này đang tiến hành.

Tăng cường năng lực của quân đội Trung Quốc theo lối sẵn sàng tác chiến kiểu Mỹ là một trong những mục tiêu chính của kế hoạch tái cấu trúc quân đội trong 4 năm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thực hiện từ năm 2016. “Điều chúng ta thấy hiện nay là sự thể hiện uy lực và chống uy lực trên biển Đông”, AP dẫn lời ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia và nghị sĩ Philippines. Đại sứ Philippines tại Bắc Kinh Chito Romana gần đây cảnh báo rủi ro xảy ra tính toán sai lầm và rủi ro xung đột vũ trang đang lớn hơn khi quân đội Trung Quốc mạnh lên, có thể thách thức Mỹ. Ông Romana so sánh hai cường quốc như hai con voi đánh nhau trên bãi cỏ và nói rằng “điều chúng tôi không muốn là trở thành bãi cỏ đó”.

Những diễn biến gần đây trên biển Đông có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm và đụng độ bất ngờ, nhưng sức mạnh hải quân vượt trội hơn của Mỹ có thể ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc, ông Golez nói.

Cố vấn an ninh Mỹ mới sẵn sàng đối đầu Trung Quốc

Cố vấn an ninh quốc gia mới của Mỹ, ông John Bolton, sẽ sẵn sàng chấp nhận xung đột quân sự với Trung Quốc  để đạt được mục tiêu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời các cựu quan chức từng làm việc với ông Bolton. Là người ủng hộ triết lý “Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”, ông Bolton được tin là sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bắt Trung Quốc phải nhường bước.

Bắt đầu công việc trên cương vị mới từ đầu tuần này, ông Bolton cũng sẽ tìm cách thách thức chính sách “một Trung Quốc” đối với Đài Loan, một bước đi chắc chắn sẽ châm lửa căng thẳng trong bối cảnh Mỹ - Trung có nguy cơ sắp chiến tranh thương mại.  Đang có tin đồn ông Bolton sẽ thăm Đài Loan vào tháng 6 tới khi trụ sở đại diện của Mỹ khai trương trên đảo này, tạp chí The Economist đưa tin.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.