Mỹ -Trung khẩu chiến ở Alaska

0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh cuộc gặp ở Alaska
Quang cảnh cuộc gặp ở Alaska
TP - Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 18/3 (giờ Mỹ) nóng lên ngay từ đầu, khi cả hai bên liên tục chỉ trích gay gắt các chính sách của bên kia.

“Chúng tôi sẽ ... thảo luận về mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi với các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Mỹ, chuyện cưỡng bức kinh tế đối với các đồng minh của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói thẳng với những người đồng cấp Trung Quốc ngay trước loạt ống kính của phóng viên, điều được xem là rất bất thường.

Ông nói: “Mỗi hành động này đều đe dọa trật tự dựa trên quy tắc giúp duy trì sự ổn định toàn cầu”.

Chính quyền Biden nói rõ rằng họ đang tìm kiếm một sự thay đổi hành vi từ Trung Quốc, nước bày tỏ hy vọng thiết lập lại quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã xấu đi nghiêm trọng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đáp trả bằng một bài phát biểu dài 15 phút bằng tiếng Trung trong khi phía Mỹ chờ phiên dịch. Ông Dương đả kích cái mà ông gọi là nền dân chủ chao đảo, chuyện đối xử kém với người thiểu số trong xã hội, chính sách ngoại giao và thương mại của Mỹ.

Reuters dẫn lời ông Dương nói: “Mỹ sử dụng lực lượng quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện quyền phán xét và đàn áp các nước khác”.

Ông nói thêm: “Họ lạm dụng cái gọi là quan niệm về an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và kích động một số quốc gia tấn công Trung Quốc”.

Xuyên suốt đoạn độc thoại của ông Dương, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan và các quan chức khác trong phái đoàn đã chuyển ghi chú cho nhau. Cuối cùng, ông Blinken giữ các nhà báo ở lại trong phòng để ông có thể trả lời các câu hỏi của họ.

Thông thường, trong các cuộc gặp tương tự, đôi bên sẽ dành vài phút phát biểu trước các nhà báo, nhưng lần này hai phái đoàn đã tranh cãi về thời điểm phóng viên sẽ được đưa ra khỏi phòng hội đàm.

Sau đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc là “chỉ tìm cách gây chú ý” trong khi truyền thông Trung Quốc cho rằng phía Mỹ nói quá nhiều và “không hiếu khách”.

Cả hai bên đều cáo buộc bên kia vi phạm nghi thức ngoại giao khi nói quá lâu trong bài phát biểu khai mạc.

 “Phái đoàn Trung Quốc ... dường như đã có ý định thu hút sự chú ý hơn là tập trung vào các nội dung”, một quan chức Mỹ nói với các phóng viên tại khách sạn Anchorage, nơi cuộc họp diễn ra.“Các bài thuyết trình ngoại giao mang tính cường điệu thường nhắm đến khán giả trong nước là chính”.

Tuy nhiên, hai bên đã có một cuộc họp khác vào tối 18/3 lên kế hoạch cho phiên họp tiếp theo, diễn ra sáng thứ Sáu, 19/3.

Washington nói chuyến công du châu Á của ngoại trưởng Blinken trước cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc, cũng như hoạt động của giới ngoại giao Mỹ ở châu Âu, Ấn Độ và các nơi khác, cho thấy Mỹ đang tập hợp sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng Giêng.

Không nhượng bộ

Tại các cuộc đàm phán, phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tỏ rõ rằng sự đồng thuận giữa đôi bên là rất ít.

Ngay cả thể thức của cuộc gặp cũng trở thành một điểm mâu thuẫn: Trung Quốc nói đây là một “cuộc đối thoại chiến lược”, bắt nguồn từ các cơ chế song phương của những năm trước. Phía Mỹ bác bỏ điều đó, gọi đây là phiên họp “một lần”.

Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng những tuyên bố cứng rắn của cả hai bên trong thời gian chuẩn bị cho cuộc họp đã tạo ra nguy cơ biến cuộc họp thành một buổi nêu cáo buộc và yêu sách là chính.

Bà Glaser nói: “Không bên nào được hưởng lợi từ cuộc họp bị đánh giá là thất bại hoàn toàn này”.

Theo Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc, một số học giả nước này thậm chí còn gợi ý rằng Trung Quốc nên từ chối lời mời của Mỹ và hủy cuộc họp. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn tham dự sự kiện. Bình luận trước cuộc gặp của phái đoàn Mỹ-Trung, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói: “Nếu ai đó tin rằng phái đoàn Trung Quốc đến Alaska ... chỉ để nhượng bộ và thỏa hiệp, thì tôi sẽ đề nghị các đồng nghiệp của tôi ở Bắc Kinh hủy chuyến đi. Tại sao lại phải đến”?

Các chuyên gia Trung Quốc nói có ít nhất một nhiệm vụ cho phái đoàn Trung Quốc lần này - để Mỹ hiểu rõ quyết tâm không thể lay chuyển của Trung Quốc liên quan đến các lợi ích cốt lõi của họ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ thăm Trung Quốc trong hai ngày 22 và 23/3, hai ngày sau cuộc đối thoại Trung - Mỹ tại Alaska.

MỚI - NÓNG