Ngày lịch sử của cả thế giới

Một phụ nữ Mỹ dắt theo con trai đi bỏ phiếu ở thành phố Los Angeles, bang California. Ảnh: AP
Một phụ nữ Mỹ dắt theo con trai đi bỏ phiếu ở thành phố Los Angeles, bang California. Ảnh: AP
TP - Sau một mùa vận động bầu cử đầy chia rẽ và tranh cãi, dân Mỹ bước vào ngày bầu cử (3/11) để chọn người sẽ dẫn dắt quốc gia đang ngập trong quá nhiều vấn đề. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay mang ý nghĩa lịch sử vì nhiều khía cạnh, và dù ngày bỏ phiếu qua đi thì vẫn còn nhiều bất định về kết quả và hậu quả. 

Gần 100 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu từ trước, nên ngày bầu cử chỉ là thời điểm tất cả cử tri hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ông Joe Biden bước vào ngày bầu cử với nhiều con đường dẫn đến chiến thắng. Trong khi đó, ông Donald Trump đặt cược số phận vào một số bang chiến trường, nên con đường chiến thắng dù hẹp hơn nhưng vẫn có khả năng giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết. Đảng nào kiểm soát Thượng viện cũng là vấn đề quan trọng. Phe Dân chủ cần thêm 3 ghế nếu ông Biden chiếm được Nhà Trắng để có thể kiểm soát hoàn toàn Quốc hội Mỹ lần đầu tiên trong thập kỷ qua. Hạ viện dự kiến sẽ vẫn nằm trong tay đảng Dân chủ.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt của hai ứng viên khiến nhiều cử tri ủng hộ của hai phe háo hức đi bỏ phiếu. Người Mỹ không ngại xếp hàng dài nhiều giờ và không ngại nguy cơ dịch bệnh để bỏ phiếu lựa chọn giữa hai con người có tầm nhìn đối lập nhau về tương lai của nước Mỹ trong 4 năm tới.

Chiến đấu đến phút chót, ông Biden đến tận ngày 3/11 vẫn tiếp tục vận động ở thành phố Philadelphia và quê nhà Scranton để thuyết phục cử tri. Đối tác đồng hành của ông là Thượng nghị sĩ Kamala Harris cũng đến Detroit, thành phố có đông cử tri da màu của bang chiến địa Michigan. Cả vợ và chồng của họ cũng tham gia để giúp hai người có con đường chiến thắng rõ ràng.

Cùng ngày, ông Trump, sau màn xuất hiện buổi sáng trên kênh truyền hình yêu thích Fox News, đã lên đường đến trụ sở của nhóm vận động ở Virginia. Ông mời hàng trăm người ủng hộ tham dự đêm tiệc bầu cử tại phòng phía đông của Nhà Trắng.

Bài kiểm tra uy tín

Vị tổng thống của đảng Cộng hòa dọa sẽ có hành động pháp lý để chặn việc tính phiếu gửi đến sau ngày bầu cử. Nếu việc kiểm phiếu ở bang chiến địa Pennsylvania mất vài ngày (được phép theo quy định của bang), ông Trump cho rằng gian lận sẽ xảy ra.

Vì dịch COVID-19, có khoảng 20 bang cho phép tiếp nhận phiếu được chuyển đến sau ngày bầu cử, miễn trên đó đóng dấu bưu điện chậm nhất là ngày 3/11. Có những bang cho phép chậm đến 9 ngày hoặc lâu hơn.

Đối với ông Trump, cuộc bầu cử này không khác gì bài kiểm tra cho 4 năm lãnh đạo của ông, một nhiệm kỳ mà ông bẻ Washington theo ý chí của mình, thách thức niềm tin vào các thể chế lâu năm và thay đổi cách người Mỹ nhìn ra thế giới. Ở một đất nước bị chia thành nhiều nhóm sắc tộc và tầng lớp, ông Trump thường hành động như một người nổi dậy, gạt sang một bên các khuyến cáo và thông tin khoa học và chiến đấu với báo chí.

Tổng thống tiếp theo sẽ dẫn dắt một nước Mỹ đầy lo âu khi vẫn chưa thấy lối ra cho đại dịch tầm cỡ thế kỷ, khiến nhiều trường học và doanh nghiệp phải đóng cửa và sẽ càng tệ hơn khi trời chuyển sang đông. TS Deborah Birx, điều phối viên của nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng, vừa đưa ra cảnh báo nước Mỹ sắp bước vào giai đoạn đáng lo và chết chóc nhất của đại dịch. Virus corona bao trùm lên cuộc bầu cử năm nay, nên cuộc bỏ phiếu cũng được coi là đợt trưng cầu ý dân về cách ông Trump ứng phó với đại dịch.

Tại thành phố Concord, bang New Hampshire, bà Linda Eastman, 70 tuổi, cho biết bà bỏ phiếu cho ông Trump. “Có thể ông ấy không hoàn hảo khi xử lý virus corona, nhưng tôi nghĩ ông ấy đã làm điều tốt nhất với những gì ông ấy có”, bà nói với AP. Tại thành phố Virginia Beach, bà Gabriella Cochrane, 54 tuổi, cho biết bà bầu cho cựu Phó tổng thống Biden vì ông ấy sẽ “tập hợp những người giỏi nhất để chống dịch bệnh”.

Những người mệt mỏi

Trước ngày bầu cử, Gabi Mayers đã đặt vé sang London. Cô nói rằng cô yêu nước Mỹ rất nhiều, nhưng cảm thấy cuộc sống quá khó khăn vì chuyện bán súng, cực đoan và lực lượng ủng hộ ông Trump lượn khắp nơi mà không đeo khẩu trang hay chấp hành quy định giãn cách. “Tất cả điều tôi muốn là vui vẻ và tâm trí bình yên. Tôi không thể có điều đó ở đất nước này”, Mayers, một nhà sản xuất 25 tuổi ở thành phố New York, nói với báo Anh The Guardian. Cô không phải trường hợp cá biệt.

Jennifer Finney Boylan, một nhà hoạt động vì quyền của người chuyển giới và là cộng tác viên của báo New York Times, nói rằng, dưới thời ông Trump lãnh đạo, cô cảm thấy không lúc nào an toàn vì thỉnh thoảng lại bị những người lạ mặt dọa dẫm trên đường phố. Dù cô chưa tìm được nơi nào để đi, nhưng ý định này không còn là chuyện đùa như trước đây nữa. “Tôi không chắc có thể chịu thêm 4 năm nữa không”, Boylan nói.

Sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden hồi tháng 9, một sự kiện bị gọi là nỗi xấu hổ quốc gia, lượng tìm kiếm trên Google về cách di cư từ Mỹ lên Canada hoặc sang New Zealand tăng vọt.

Những bang quyết định

Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được định đoạt bởi một số bang dao động. Những bang này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp 270 phiếu đại cử tri mà mỗi ứng viên cần để tiến vào Nhà Trắng. Mỗi bang được phân bổ số phiếu đại cử tri khác nhau, dựa trên số nghị sĩ mà họ có trong Hạ viện, cộng thêm 2 thượng nghị sĩ. California được nhiều phiếu đại cử tri nhất, với 55 phiếu, tiếp theo là Texas với 38 phiếu. Ứng viên chiến thắng ở New York hay Florida có thể bỏ túi 29 phiếu đại cử tri. Illinois và Pennsylvania mỗi bang có 20 phiếu đại cử tri. Còn lại trong top 10 bang nhiều phiếu đại cử tri nhất là Ohio với 18 phiếu, Georgia và Michigan mỗi bang 16 phiếu, và Bắc Carolina 15 phiếu.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.