Nghi vấn tàu Trung Quốc thả cáp ngầm ở Hoàng Sa

Ảnh vệ tinh cho thấy con tàu Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc ở phía bắc đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 4/6
Ảnh vệ tinh cho thấy con tàu Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc ở phía bắc đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 4/6
TPO - Phần mềm theo dõi tàu và ảnh vệ tinh cho thấy một tàu Trung Quốc có vẻ đang đặt dây cáp ngầm dưới đáy biển ở khu vực giữa các tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Các chuyên gia nói rằng những dây cáp đó có thể phục vụ mục đích quân sự và có thể tăng khả năng của Trung Quốc trong phát hiện tàu ngầm. 

Một tàu đặt dây cáp xuất phát từ xưởng đóng tàu ở Thượng Hải bắt đầu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cách đây gần 2 tuần. Nếu nhận định của các chuyên gia là chính xác, điều này có thể là tín hiệu nữa cho thấy Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa biển Đông. 

Trang tin BenarNews phát hiện hoạt động này từ hình ảnh vệ tinh thương mại có độ phân giải cao chụp khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. 

Ba chuyên gia về biển tại Mỹ sau khi xem những bức ảnh này đã đồng ý rằng con tàu đang làm gì đó liên quan đến cáp dưới đáy biển. Có thể con tàu đang đặt dây cáp mới, sửa chữa hoặc nâng cấp tuyến cáp hiện tại. Không chuyên gia nào biết có mạng lưới dây cáp đã tồn tại từ trước hay không. 

Phần mềm theo dõi hoạt động của tàu trên biển ghi nhận tàu Tian Yi Hai Gong của Trung Quốc ra Hoàng Sa hôm 28/5. Ảnh vệ tinh cho thấy có vẻ nó đang đặt cáp giữa ít nhất 2 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, gồm đảo Cây, đảo Bắc và đảo Phú Lâm. 

Con tàu tiến về phía tây nam hôm 5/6, cập các đảo Duy Mộng, Ba ba và bãi Xà Cừ. Đến sáng 8/6, con tàu này đang hoạt động ở phía đông bắc của bãi Xà Cừ. 

Không rõ tàu Tian Yi Hai Gong có đặt cáp trên những thực thể này hay không, nhưng cách di chuyển của nó tương tự như ở các thực thể khác. Trung Quốc đã lập tiền đồn trên tất cả các thực thể này.

Vụ đặt cáp ngầm dưới biển gần đây nhất của Trung Quốc được Reuters đưa tin năm 2016. Tuyến cáp đó kết nối căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm với đảo Hải Nam. 

Từ ảnh vệ tinh không thể suy ra chức năng của các tuyến cáp mà Trung Quốc vừa đặt, 2 chuyên gia nói với BernaNews rằng kết nối cáp quang giữa những thực thể do Trung Quốc chiếm đóng có thể để phục vụ mục đích quân sự.

GS James Kraska, công tác tại ĐH Hải chiến Mỹ, nói rằng các tuyến cáp đó có thể phục vụ trao đổi thông tin quân sự mã hóa giữa các tiền đồn của Trung Quốc và sẽ kết nối với hệ thống cáp ngầm mà Trung Quốc đã đặt dọc bờ biển phía đông nước này. 

“Việc khác mà có thể họ đang làm là họ đã họ mạng lưới kiểu SOSUS, một hệ thống giám sát âm thanh dưới biển, để có thể nghe âm thanh tàu ngầm của đối thủ”, ông Kraska nói. 

SOSUS là hệ thống sonar mà Hải quân Mỹ dùng để theo dõi hoạt động dưới biển. 

Ông Bryan Clark, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách ở Washington, cũng nghi ngờ hệ thống cáp  của Trung Quốc có thể dùng cho mục đích theo dõi. 

“Một hệ thống sonar sẽ đóng vai trò quan trọng với khu vực phía bắc đảo Phú Lâm vì căn cứ của hạm đội tàu ngầm biển Hoa Nam của Trung Quốc đóng tại căn cứ hải quân Du Lâm thuộc đảo Hải Nam”, ông Clark nói. 

Ông Clark nói rằng Du Lâm là một trong những căn cứ phức tạp nhất của hải quân Trung Quốc, được trang bị hệ thống hầm ngầm và bảo trì để phục vụ lực lượng tàu ngầm ngày càng nhiều lên của Trung Quốc. Căn cứ này nằm ở mũi cực nam của Hải Nam.

“Hệ thống sonar đáy biển giữa đảo Phú Lâm và đảo Hải Nam sẽ giúp tìm các tàu ngầm Mỹ cố gắng theo dõi căn cứ ở Hải Ham hoặc các tàu ngầm của Trung Quốc trong thời bình, hoặc có thể tấn công tàu ngầm của Trung Quốc trong thời chiến”, ông Clark nói.

Theo theo BernaNews
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.