Ngoại trưởng Malaysia cảnh báo diễn biến căng thẳng trên biển Đông

Trung Quốc bồi đắp ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: AP)
Trung Quốc bồi đắp ở đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: AP)
TPO - Ngoại trưởng Malaysia hôm nay cảnh báo hải quân nước này cần được nâng cấp trang thiết bị để chuẩn bị cho nguy cơ căng thẳng trên biển Đông, trong bối cảnh Malaysia sắp công bố Sách trắng quốc phòng để vạch ra lộ trình 10 năm cho lực lượng vũ trang.

Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah phát biểu trước quốc hội nước này rằng các tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện suốt ngày đêm quanh bãi can Nam Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của nước này. Ông cũng cho biết các tàu của hải quân Malaysia nhỏ hơn nhiều so với tàu hải cảnh từ Trung Quốc.

Dù không muốn xung đột, trang thiết bị của Malaysia cần được nâng cấp “để chúng ta có thể quản lý tốt hơn các vùng biển nếu xảy ra xung đột giữa các cường quốc lớn trên biển Đông”, ông Abdullah nói. Dù Malaysia vẫn gửi công hàm phản đối nếu nước khác xâm phạm vùng biển của mình, nhưng tình trạng thiếu phương tiện và trang thiết bị khiến những phản đối đó không có sức nặng, ông cảnh báo. 

Sách trắng quốc phòng đầu tiên của Malaysia, dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 12, sẽ đề cập đến vấn đề tài sản quân sự cũng như quan điểm của nước này trong nhiều vấn đề quốc phòng. 

Phát biểu của ông Saifuddin được đưa ra chỉ 1 tháng sau khi chính phủ của liên minh chính trị Pakatan Harapan, bắt đầu cầm quyền từ cuối năm ngoái, đưa ra hướng dẫn mới về chính sách đối ngoại, trong đó đề xuất phi quân sự hóa các vùng biển tranh chấp để biến thành khu vực của hòa bình, hữu nghị và thương mại. 

Các nhà phân tích đồng ý rằng Malaysia cần phải tăng cường trang bị cho lực lượng tuần tra trên biển, trong đó có máy bay – một yêu cầu được nêu ra trong kế hoạch phát triển năng lực của Không quân hoàng gia Malaysia với tầm nhìn đến năm 2055. 

“Phi quân sự hóa là một quan điểm chỉ phục vụ mục đích hùng biện. Các cường quốc lớn sẽ không chịu làm như vậy. Cuối cùng, Malaysia sẽ phải đối đầu với tình hình trên biển Đông theo thực tế, chứ không phải theo cách họ muốn”, ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích cấp cao tại Chương trình nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh tại viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Malaysia, nhận định.

Một trong các đợt mua sắm vũ khí hải quân mới nhất của Malaysia là đội tàu tác chiến gần bờ do Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Trung Quốc sản xuất. Những chiếc đầu tiên đã được Trung Quốc bàn giao vào tháng 4 năm nay, và 2 chiếc còn lại sẽ được giao vào năm 2021. 

Thỏa thuận mua những tàu này được ký dưới thời của Thủ tướng Najib Razak, người đang bị xét xử vì nhiều tội danh nhận hối lộ và lạm quyền. 

Dù chính phủ Malaysia đã quyết liệt hơn trong việc phản đối những vụ vi phạm trên biển Đông, thực tế trên vùng biển tranh chấp này chưa hề thay đổi, ông Shahriman nói.

Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hiện diện ngoài khỏi vùng biển Sabah mà Kuala Lumpur coi là khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc cũng quyết liệt hơn trong việc phản đối các hoạt động khai thác dầu khí của Malayasia ở đây.

Những công hàm phản đối không được công khai để tránh “nêu tên là làm xấu mặt nước khác”, ông Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng ở Singapore nói. 

“Những công hàm phản đối ít nhất cũng giúp duy trì đòi hỏi chủ quyền và được lưu vào hồ sơ như một hành động chính thức để khẳng định đòi hỏi chủ quyền của một nước. Ở Đông Nam Á, những công hàm như vậy, nếu được gửi đi, cũng không được công khai...vì những lý do duy trì ổn định và tránh làm nóng vấn đề. Nhưng điều đó gây ra hoài nghi về tính minh bạch”, ông Koh nói. 

Là một bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Malaysia có yêu sách đối với các vùng nước và đáy biển nằm trong 200 hải lý tính từ bờ biển của họ. Nhưng Trung Quốc phản đối hầu hết đòi hỏi chủ quyền của Malaysia vì nằm trong “đường 9 đoạn” vô lý mà Bắc Kinh sử dụng. 

Hôm qua, một quan chức Malaysia thông báo các nhà kiểm duyệt phim của nước này đã yêu cầu xóa cảnh trong bộ phim hoạt hình Abominable của hãng DreamWork có “hình lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông. Trước đó, Philippines chỉ trích DreamWorks vì tấm bản đồ trong phim và kêu gọi người dân tẩy chay hãng này. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".