Người Mỹ có mất niềm tin vào chính phủ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng hai cố vấn tại một cuộc họp ở Nhà Trắng hồi tháng 3 về đối phó với COVID-19 ảnh: NYT
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng hai cố vấn tại một cuộc họp ở Nhà Trắng hồi tháng 3 về đối phó với COVID-19 ảnh: NYT
TP - Năm 2019, chỉ có 17% người Mỹ nói rằng họ tin chính phủ làm điều đúng đắn. Đại dịch COVID-19 có vẻ càng khiến niềm tin đó mỏng đi. 

Patricia Millner, một y tá ở Hershey, bang Pennsylvania, sinh ra vào năm Dwight Eisenhower đắc cử Tổng thống Mỹ. Khi đó, nền kinh tế Mỹ đang phát triển bùng nổ và niềm tin của dân chúng vào chính phủ rất cao. Khi các hãng khảo sát phát bảng hỏi 2 năm sau đó, khoảng 3/4 người Mỹ nói rằng họ tin chính phủ sẽ làm điều đúng đắn.

Từ đó, rất nhiều thứ đã thay đổi. Chiến tranh Việt Nam, sau đó là bê bối Watergate. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, bà Millner chứng kiến các ngân hàng xin phá sản trong khi người dân mất nhà. Nay khi đại dịch COVID-19 khiến số người chết tiến gần mốc 100.000 và tình trạng thất nghiệp tăng vọt, bà Millner nói rằng chính phủ một lần nữa lại chăm lo cho người giàu, còn người nghèo phải tự lo. “Mỗi lần xem quảng cáo trên TV rằng chúng ta cùng nhau vượt qua, máu tôi lại sôi lên. Chúng ta không bao giờ cùng nhau. Tầng lớp giàu có chẳng sao cả. Nhưng 2/3 đất nước này đang đi xuống cống”, bà Millner nói với báo New York Times.

Từ trước khi xảy ra khủng hoảng COVID-19, tỷ lệ người Mỹ tin chính phủ liên bang đã giảm dần, dù chậm và bất kể đảng Dân chủ hay Cộng hòa nắm quyền. Năm 2019 đánh dấu một trong những mức thấp nhất: chỉ 17% người Mỹ tin tưởng chính phủ liên bang sẽ làm điều đúng đắn trong hầu hết các trường hợp, theo kết quả thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew.

Thiếu niềm tin vào Washington không hẳn nghĩa là người dân không còn muốn có chính phủ nữa. Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Mỹ tin chính quyền bang nhiều hơn, và hiện có một số thống đốc đang được lòng người dân về cách xử lý COVID-19. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ đánh giá chính phủ ở Washington không xử lý hiệu quả thách thức do dịch bệnh gây ra.

Nhiều người nhấn mạnh rằng các tập đoàn dường như đang nhận được phần lớn hơn từ tiền hỗ trợ liên bang, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hứng nhiều tổn thất. Họ thắc mắc rằng người dân được yêu cầu ở nhà và hy sinh, nhưng sau đó không được hỗ trợ tài chính để làm như vậy. Chính phủ Mỹ đang triển khai một trong những chương trình hỗ trợ lớn nhất trong lịch sử hiện đại. Nhiều người cho biết họ đã nhận được tiền, nhưng số tiền đó không đủ để giải quyết các vấn đề tài chính của họ như tiền thuê nhà hay trả góp ngân hàng.

“Tôi không tin họ (chính phủ). Họ đại diện cho lợi ích của các nhà tài trợ, nhà môi giới và các đảng phái”, Curtis Devlin, 42 tuổi, một cựu binh trở về từ chiến tranh Iraq và hiện sống ở California, nói.

Vỡ mộng

Khủng hoảng quốc gia thường là dịp để củng cố tình đoàn kết và lòng tin của người dân vào chính phủ. Niềm tin của người Mỹ vào chính phủ lên mức cao nhất trong lịch sử hiện đại là ngay sau khi xảy ra loạt tấn công 11/9/2001. Nhưng tỷ lệ đó giảm dần sau chiến dịch của Mỹ tấn công vào Iraq, qua thời Barack Obama và giờ là Donald Trump. Từ năm 2008, tỷ lệ đó chưa vượt khỏi mức 25%.

Ông Devlin cho biết ông bắt đầu vỡ mộng sau khi đến Iraq. Khi đó, ông đang học trường luật và muốn làm điều gì đó có ý nghĩa. Các lãnh đạo ở Washington mô tả cuộc chiến ở Iraq là cần thiết và hợp đạo đức. Ở tuổi 28, Devlin gia nhập quân đội. “Trong tưởng tượng của tôi, tôi đang viết lại hiến pháp và giúp đỡ một đất nước”, Devlin nói. Nhưng thay vào đó, công việc khiến ông phải tìm cách biện minh cho những hành động giết chóc. “Những lý tưởng mà tôi rất quyết đoán hoá ra là sai”, ông nói. Trải nghiệm đó khiến ông cực kỳ hoài nghi về những người đang điều hành đất nước.

“Chúng ta vẫn không thực sự có bảo hiểm y tế, chúng ta vẫn phải trả giá cao để mua thuốc, chúng ta vẫn ở trong cuộc chiến kéo dài suốt 17 năm qua. Nếu tôi bỏ phiếu cho ông Biden thì cũng không thay đổi gì”, bà Millner, người ủng hộ đảng Dân chủ, nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.