Người phụ nữ đi 290 km để phá thai

Heven Lunsford cầm ảnh siêu âm và giấy in dấu chân, dấu tay con trai chưa chào đời tại nhà riêng ở Alabama hôm 29/8. Ảnh: AP.
Heven Lunsford cầm ảnh siêu âm và giấy in dấu chân, dấu tay con trai chưa chào đời tại nhà riêng ở Alabama hôm 29/8. Ảnh: AP.
Hevan Lunsford đi siêu âm định kỳ lúc 5 tháng, hoảng loạn khi kỹ thuật viên mất nhiều thời gian hơn bình thường và yêu cầu cô gặp bác sĩ. Lunsford là y tá ở bang Alabama, cô hiểu có gì đó nghiêm trọng xảy ra với thai nhi và đặt hẹn bác sĩ chuyên khoa vào hôm sau.

Bác sĩ thông báo cho Lunsford và chồng một tin đau lòng, bé Sebastian, đứa con chưa chào đời của hai người, mắc chứng kém phát triển và chỉ có một nửa trái tim. Nếu cậu bé sống sót qua thai kỳ và ra đời, sẽ cần phẫu thuật nhiều lần và không thể sống lâu. Lunsford tuyệt vọng, hỏi bác sĩ về việc chấm dứt thai kỳ.

"Tôi cảm thấy phá thai là cách duy nhất để đảm bảo con không chịu mọi đau đớn", Lunsford, 31 tuổi, nhớ lại quyết định đau khổ gần ba năm trước.

Nhưng bác sĩ cho biết luật Alabama cấm phá thai sau 5 tháng. Ông đưa cho cô mẩu giấy giới thiệu một bệnh viện ở Atlanta, thủ phủ bang Georgia, cách nhà của Lunsford khoảng 290 km về phía đông.

Cô là một trong hàng nghìn phụ nữ Mỹ phải đi xuyên qua bang khác để phá thai trong những năm gần đây vì nhiều bang thông qua luật chống phá thai nghiêm hơn, trong lúc số lượng phòng khám và bệnh viện thực hiện thủ thuật phá thai giảm xuống.

Dù những người ủng hộ chống phá thai nói rằng luật đã hạn chế số ca phá thai cũng như khiến người ta không tìm đến những bang khác để phá thai, nhưng số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy từ năm 2012 tới 2017, ít nhất 276.000 phụ nữ đã di chuyển qua bang khác để phá thai.

"Nếu được làm phẫu thuật ở bệnh viện nơi tôi công tác, có lẽ tôi sẽ ổn hơn và cảm thấy đó là lựa chọn hợp lý", Lunsford nói.

Trong khi số ca phá thai khắp nước Mỹ giảm, số lượng phụ nữ ở bang khác tới phá thai tăng nhẹ và một số bang tăng đáng kể trong thời kỳ 6 năm, theo phân tích của AP.

Ở các bang Trung Tây, Nam và miền Núi Mỹ, số lượng phụ nữ chấm dứt thai kỳ ở một bang khác tăng đáng kể, đặc biệt ở những nơi thiếu bệnh viện chuyên khoa hoặc bệnh viện gần nhất nằm ở bang khác hay ở bang láng giềng có luật thoáng hơn.

"Tại nhiều nơi, quyền phá thai tồn tại trên giấy tờ, hầu như không có khả năng tiếp cận những bệnh viện chuyên khoa", Amy Hagstrom Miller, CEO của Whole Women's Health, tổ chức điều hành 7 cơ sở phá thai ở Maryland, Indiana, Texas, Virginia và Minnesota, cho hay.

Năm 2017, ít nhất 44.860 ca phá thai được thực hiện trên những phụ nữ di chuyển từ bang khác tới, theo phân tích dữ liệu từ 41 bang ở Mỹ. Con số này chiếm 10% các ca phá thai được báo cáo năm đó nhưng chỉ được tính trên 9 bang, bao gồm California và Florida, trừ thủ đô Washington vì không có dữ liệu trong 6 năm.

13 bang chứng kiến sự gia tăng số lượng phụ nữ từ bang khác tới phá thai trong giai đoạn 2012 - 2017. Tỷ lệ phá thai trên phụ nữ tới từ bang khác ở bang New Mexico tăng từ 11% lên 25%. Có thể do bệnh viện ở Albuquerque, thành phố đông dân nhất New Mexico, là một trong số ít các cơ sở trên nước Mỹ thực hiện phá thai với thai kỳ ở gần tam cá nguyệt thứ ba mà không cần điều kiện.

Từ năm 2011 tới 31/5/2019, 33 bang ở Mỹ đã thông qua 480 luật hạn chế phá thai, theo Viện Guttmacher, tổ chức nghiên cứu ủng hộ quyền phá thai. Riêng năm 2019, các nhà lập pháp đã phê chuẩn 58 luật, chủ yếu ở vùng Trung Tây, Đồng bằng và Nam nước Mỹ.

"Mục đích của những nhà lập pháp là cấm phá thai hoàn toàn và buộc người ta không được phá thai, nhưng thực tế, nó lại thúc đẩy con người ta đi xa hơn để tìm kiếm những nơi có thể chăm sóc được họ", Quita Tinsley, phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sinh sản (ARC) Đông Nam, Mỹ, cho hay.

ARC là một phần của Mạng lưới Phá thai Quốc gia, tổ chức gồm 70 nhóm hỗ trợ phá thai cho phụ nữ ở 6 bang vùng Đông Nam. Một số nhóm hỗ trợ tiền, một số hỗ trợ họ đi lại, chỗ ở và chăm sóc trẻ em.

Một phần ba số phụ nữ gọi tới đường dây nóng của nhóm để hỏi cách sang bang khác tìm nơi phá thai, Tinsley nói. Nhiều người chọn Georgia vì đường sá thuận tiện và đây cũng là nơi ít hạn chế hơn nhiều bang khác ở miền Nam.

Trong tất cả các bang, New Mexico chứng kiến sự gia tăng lớn nhất về số lượng phụ nữ đến phá thai từ nơi khác, tăng vọt 158% trong giai đoạn từ năm 2012 tới 2017.

Liên minh Tôn giáo Lựa chọn Sinh sản New Mexico trung bình mỗi năm giúp đỡ 100 phụ nữ nhưng riêng năm nay, họ đã hỗ trợ 200 người. Nhiều người trong số 55 tình nguyện viên của nhóm đã mở cửa chào đón phụ nữ đến từ những bang khác.

Joan Lamunyon Sanford, giám đốc điều hành, cho biết nhóm luôn hoạt động với tôn chỉ: "Chăm sóc người lạ và chào đón người vùng khác". Cô cho hay nhu cầu phá thai ngày càng tăng khi số rào cản nhiều lên và phụ nữ không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và phá thai ở nơi mình sinh sống.

Người phụ nữ đi 290 km để phá thai ảnh 1 Beth Vial cầm tấm biển đề chữ "phá thai là nhân quyền" tại nhà riêng ở Portland, bang Oregon, hôm 5/8. Ảnh: AP.

Beth Vial không biết mình mang thai tới khi được 6 tháng. Nhiều căn bệnh trong người đã che giấu các triệu chứng mang thai của Vial. Hai năm trước, nữ sinh viên đại học 22 tuổi sống ở Portland, bang Orgeon, chỉ có lựa chọn duy nhất là đến New Mexico phá thai. Ở đây, cô được nhóm của Sanford giúp đỡ, từ ăn mặc tới di chuyển, tìm bệnh viện.

Nhờ có họ, Sanford được truyền cảm hứng và gia nhập Quỹ Phá thai Tây Bắc, tổ chức giúp đỡ phụ nữ ở Oregon, Washington, Idaho và Alaska.

"Được những người xa lạ giúp đỡ vào thời điểm mình không biết phải làm gì là trải nghiệm tôi không thể nào quên", Vial, nay 24 tuổi, nói. "Nó khuyến khích tôi làm gì đó để trả ơn cộng đồng, để giúp người khác không trải qua việc phá thai một mình".

Những người chống phá thai nói rằng mục đích của luật không phải đẩy phụ nữ sang một nơi khác để phá thai, mà cho họ thêm thời gian để cân nhắc lựa chọn và từ đó giảm số ca phá thai.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng những quy định mới chỉ khiến nhiều phòng khám đóng cửa hơn, đẩy phụ nữ đi xa hơn để tìm kiếm cơ sở khác. Số lượng phòng khám ở Texas năm 2013 giảm hơn một nửa khi các nhà lập pháp yêu cầu những phòng khám này phải có cơ sở vật chất tương đương trung tâm phẫu thuật và bác sĩ phải làm việc ở một bệnh viện gần đó. Dù Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ luật này năm 2016 nhưng đa số phóng khám vẫn chưa mở cửa lại.

Candice Russell là một trong số những người bị ảnh hưởng. Năm 2014, khi cô tìm cách phá thai ở Dallas, Russell được thông báo phải chờ hơn hai tuần vì có quá đông bệnh nhân đến từ Texas.

Cô không thể đợi được, vì vậy phải nói dối chỗ làm rằng một người thân qua đời và phải vay tiền mua vé máy bay tới California làm thủ thuật.

"Dù tôi phải vay nợ và mất hai năm mới trả hêt, nhưng tôi thực sự rất may mắn", Russell, nay 36 tuổi, nói. Cô đang làm phó giám đốc quỹ Yellowhammer chuyên giúp đỡ phụ nữ ở Alabama phá thai. "Có rất nhiều người không thể giống tôi. Họ không đủ điều kiện lên máy bay, bay hơn 2.400 km để phá thai".

Đã có 168 phòng khám chuyên phá thai đóng cửa từ năm 2012 tới nay ở Mỹ, theo Mạng lưới Chăm sóc Phá thai (ACN), một tổ chức vận động vì quyền lợi các phòng khám. Nhiều phòng khám đóng cửa vì luật chứ không phải vì "sự an toàn của bệnh nhân", theo Nikki Madsen, giám đốc ACN.

Với Lunsford, phải mất hai năm cô mới nguôi nỗi đau mất con và quên đi những khó khăn trên đường thực hiện quyết định đau đớn này. Cô phải lái xe tới Atlanta, thuê khách sạn và thực hiện phẫu thuật với một bác sĩ không thân quen.

Lunsford luôn nghĩ về việc mình không thể giữ con và giá như có thể chào tạm biệt con nếu được phá thai ở bệnh viện. Trước khi sang Atlanta, cô đã đề nghị nhân viên phòng khám cho dùng mực và giấy in dấu tay và dấu chân của con.

"Chẳng có luật nào ngăn tôi phá thai cả, nó chỉ khiến tôi phải đi xa hơn, sang bang khác để làm thủ thuật mà thôi", cô nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).