Nhật - Mỹ lên án 'hành vi gây bất ổn' của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Bốn bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản thể hiện quyết tâm sát cánh ảnh: Reuters
Bốn bộ trưởng Mỹ và Nhật Bản thể hiện quyết tâm sát cánh ảnh: Reuters
TP - Trong cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng diễn ra hôm qua tại Tokyo, Mỹ và Nhật Bản nêu thẳng tên Trung Quốc khi cảnh báo về “những hành động chèn ép và gây bất ổn”. 

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cử hai bộ trưởng chủ chốt đến thăm Nhật Bản thay vì tiếp đón quan chức Nhật Bản tại Washington được đánh giá là điều có ý nghĩa lớn đối với Nhật, khi nước này coi quan hệ đồng minh với Mỹ là nền tảng cho các chính sách ngoại giao và an ninh của mình.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm, hai bên cảnh báo “những hành vi của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế tạo nên những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ”. “Các bộ trưởng cam kết phản đối những hành vi chèn ép và gây bất ổn nhằm vào các nước khác trong khu vực”, Japan Times dẫn nội dung tuyên bố.

“Trung Quốc dùng cách ép buộc và gây hấn để xói mòn quyền tự chủ một cách có hệ thống ở Hong Kong, làm suy yếu dân chủ ở Đài Loan, lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng và áp đặt các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông vi phạm luật quốc tế”, Reuters dẫn lời ông Blinken nói trong cuộc họp báo chung cùng ông Austin với Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi.

 “Chúng tôi thống nhất trong tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, nơi các quốc gia tuân thủ quy tắc, hợp tác khi nào có thể và giải quyết khác biệt một cách hòa bình. Chúng tôi sẽ chống lại nếu cần thiết, khi Trung Quốc dùng cách chèn ép hoặc gây hấn để giành lấy đường của mình”, ông Blinken nói.

Việc hai quan chức hàng đầu của Mỹ đến châu Á được coi là bằng chứng cho quyết tâm của chính quyền Biden về việc đề cao nhiệm vụ đối phó với Trung Quốc. Trước khi lên đường, hai ông Blinken và Austin nói rõ trong bài viết chung rằng những hành động của Trung Quốc ở khu vực sẽ là nội dung quan trọng nhất trong chương trình làm việc của chuyến đi. “Chúng tôi sẽ cùng nhau buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta không hành động dứt khoát và dẫn dắt, Bắc Kinh sẽ làm”, hai bộ trưởng viết trong bài đăng trên báo Washington Post.

Hai bộ trưởng Mỹ nói cụ thể đến sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc trên vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng có yêu sách.  Nhật Bản nhiều lần lên tiếng phản đối sự hiện diện của các tàu công vụ Trung Quốc ở khu vực này cũng như việc Trung Quốc gần đây thông qua luật hải cảnh mới. Tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng về những diễn biến gây rối gần đây ở khu vực”. Tuyên bố khẳng định hai bên sẽ phản đối “bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc làm suy yếu sự quản lý của Nhật Bản ở những đảo này”.

“Hoạt động của Hải cảnh (Trung Quốc) quanh quần đảo Senkaku là rõ ràng vi phạm luật pháp quốc tế. Phía Mỹ tái khẳng định cam kết của họ trong việc bảo vệ các đảo của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Nobuo Kishi nói tại cuộc họp báo. Nhật và Mỹ khẳng định sẽ duy trì hoạt động tập trận chung quanh quần đảo này.

Cuộc gặp khó khăn

Cuộc hội đàm giữa 4 bộ trưởng diễn ra sau khi lãnh đạo Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc có cuộc họp trực tuyến vào tuần trước nhằm bàn cách chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương. Giới phân tích đánh giá cả hai sự kiện này đều nằm trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm củng cố quan hệ đồng minh ở khu vực và làm nóng tình hình trước khi cuộc gặp quan trọng của quan chức Mỹ - Trung diễn ra tại Alaska vào ngày 18/3.

Trước khi tuyên bố chung của các bộ trưởng Nhật - Mỹ được công bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng những trao đổi giữa Mỹ và Nhật nên tạo điều kiện cho hoà bình và ổn định ở khu vực, không nhắm vào hoặc làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba.

Các nhà phân tích cho rằng nội dung tuyên bố chung có thể khiến cuộc gặp của ông Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Uỷ viên quốc vụ Dương Khiết Trì trở nên khó khăn.         

MỚI - NÓNG