Nhìn ra thế giới: Khi nào công dân được quyền bắt người?

Cảnh sát Australia nói rất ít trường hợp dùng quyền bắt người của công dân là lựa chọn tốt nhất (ảnh minh họa). (westminstersecurity.co.uk)
Cảnh sát Australia nói rất ít trường hợp dùng quyền bắt người của công dân là lựa chọn tốt nhất (ảnh minh họa). (westminstersecurity.co.uk)
TP - Sau vụ tấn công “hiệp sỹ” đường phố gây chết người vừa qua tại TPHCM, dư luận trong nước lại nóng lên tranh cãi có nên duy trì các đội phòng chống tội phạm này không. Một nguyên tắc phổ quát trên thế giới là công dân có quyền bắt giữ người trong những điều kiện nhất định, nhưng xung quanh vấn đề này vẫn tồn tại những bất đồng.

Quyền bắt giữ người khác của công dân (citizen’s arrest) có thể là một hành động dũng cảm, nhưng theo quan điểm của một số nước, điều này có thể gây ra nhiều phiền phức hơn là hiệu quả mà nó mang lại. Trong rất nhiều trường hợp thực thi quyền bắt giữ người của công dân ở Australia trong vài năm gần đây, hậu quả là mạng người, hãng tin ABC cho hay.

Theo quan điểm của cảnh sát Australia, những cái chết trong các vụ công dân bắt giữ người hầu hết là không đáng có. “Bạn phải nhớ rằng kẻ mà bạn định bắt rơi vào thế tuyệt vọng, đường cùng hơn bạn rất nhiều, và sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm”.

Câu chuyện của cảnh sát

“Nhiều khi, muốn làm một người tốt, bạn sẽ gặp nguy hiểm”, thanh tra Ian Geddes của Sở Cảnh sát bang Victoria nói. “Quyền bắt giữ người của công dân không phải là thứ chúng tôi khuyến khích bởi luôn tiềm tàng những hiểm nguy khi bắt giữ ai đó”, ông nhận định.

Hồi tháng 5/2016, một người đàn ông 47 tuổi lên cơn đau tim và qua đời sau khi bị một nhóm người quản lý siêu thị bắt giữ. Ông này bị cho là đã ăn cắp đồ trong siêu thị.

Tất nhiên cảnh sát sẽ phải điều tra phân rõ trắng đen, nhưng vụ việc cũng làm dấy lên những lo ngại về việc thực thi quyền bắt giữ của công dân trong thực tế.

Đó là hiểm nguy cho đối tượng bị bắt, như trường hợp kể trên. Nếu ông ta bị bắt oan thì sự việc càng trở nên nghiêm trọng. Còn trong nhiều trường hợp khác, nguy cơ rủi ro đối với người bắt là rất cao.

“Bạn làm những việc mà bạn vừa mới nghĩ, rằng việc đó là đúng. Nhưng trong nhiều trường hợp, kẻ bị bắt đã từng phạm tội trước đó và hoàn toàn biết hậu quả nếu anh ta bị bắt và phải quay lại nhà tù. Ý nghĩ đó sẽ khiến kẻ bị bắt trở nên điên cuồng và khiến bạn rơi vào tình huống cực kỳ nguy hiểm”, thanh tra Geddes phân tích. “Bạn không hề biết người đó có nghiện ma túy hay không, có bất ổn tâm lý hay không. Kẻ đó cũng có thể mang vũ khí mà bạn không biết. Thậm chí hắn có thể trước đó đã phạm tội còn tày đình hơn và nghĩ rằng bạn đang cố bắt giữ anh ta vì điều đó”.

Không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ như cảnh sát, thường dân khi bắt người thậm chí có thể có hành vi bị xem là hủy hoại bằng chứng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong nhiều trường hợp, người bị bắt có thể kiện ngược đối với người bắt vì hành vi bắt người không đúng quy định của pháp luật.

Bắt “có giới hạn”

Mặc dù đa số quốc gia trên thế giới công nhận quyền bắt người của công dân, nhưng tại một số nước, quyền này bị hạn chế. Việc này cũng gây ra nhiều tranh luận.

Hồi năm 2000, tại New Zealand, tòa thượng thẩm ra phán quyết, trái với nhận thức thông thường, rằng công dân chỉ có quyền bắt giữ người “trong giới hạn”, nghĩa là chỉ được quyền bắt giữ trong một số ít trường hợp. Báo New Zealand Herald nói phán quyết này đã khiến các luật sư bức xúc vì đi ngược lại các diễn giải luật từ trước đến nay về quyền bắt người. Phán quyết cũng đặt ra khả năng các nhà lập pháp phải ngồi lại để sửa luật.

Phán quyết của tòa thượng thẩm khiến cho trong nhiều trường hợp, nhân viên an ninh của một số cơ sở không còn quyền bắt giữ người họ nghi vấn phạm pháp. Nhân viên bảo vệ siêu thị dù phát hiện kẻ ăn cắp cũng khó mà dễ dàng ra tay bắt giữ.

Đầu đuôi câu chuyện bắt nguồn từ vụ một người đàn ông bị cáo buộc ăn cắp một bộ đồ chơi video game trị giá 100USD từ một cửa hàng ở thủ đô Wellington.

Luật sư của người đàn ông cho rằng bằng chứng của hai nhân viên siêu thị, những người đã dẫn giải ông khách tới văn phòng của người quản lý, là không chấp nhận được, vì ông ta đã bị bắt giữ trái pháp luật. Nhưng tòa thượng thẩm phán quyết rằng người bị tình nghi ăn cắp đã “không bị bắt giữ trái pháp luật bởi vì nhân viên siêu thị không có quyền bắt giữ anh ta”. Theo luật hình sự của New Zealand, công dân (bao gồm cả bảo vệ) chỉ được bắt người vào ban đêm, sau khi đã gọi cho cảnh sát đề nghị hỗ trợ, hoặc ban ngày nếu hành vi phạm tội có mức án từ 3 năm tù trở lên.

Rất nhiều người New Zealand, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, đã tỏ ra tức giận trước phán quyết của tòa thượng thẩm bởi công ăn việc làm của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng. “Cứ thế này thì trộm cắp sẽ nở rộ”, tạp chí Luật pháp New Zealand bình luận.  

            (Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.