Nỗ lực cứu vãn đối thoại Mỹ-Triều

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đến Seoul từ hôm qua Ảnh: Yonhap
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun đến Seoul từ hôm qua Ảnh: Yonhap
TP - Đặc phái viên Mỹ hôm qua đến Hàn Quốc trong một nỗ lực nhằm nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân bế tắc với Triều Tiên. Chỉ vài giờ trước đó, Bình Nhưỡng ra tuyên bố nói rằng họ không có ý định ngồi xuống với Washington và bảo Seoul hãy “dừng can thiệp”.

Theo chương trình, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, người phụ trách đàm phán cấp làm việc với Triều Tiên, gặp các quan chức Hàn Quốc trong hôm nay và ngày mai, Yonhap đưa tin ngày 7/7. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trước đó nói rằng, ông sẽ thúc đẩy một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều nữa trước khi bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm nay. 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chuyến đi của ông Biegun đến Hàn Quốc là để tăng cường phối hợp nhằm tiến tới việc Triều Tiên phi hạt nhân hoá hoàn toàn và có thể thẩm định, cũng như để bàn về hàng loạt vấn đề song phương với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Báo chí Hàn Quốc đưa tin, ông Biegun sẽ cố gắng tổ chức một cuộc gặp với phía Hàn Quốc ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm và chuyển thông điệp của Tổng thóng Mỹ Donald Trump đến Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cuối tuần qua gạt bỏ khả năng đó, nói rằng Bình Nhưỡng “không cảm thấy cần gặp trực tiếp với Mỹ”. 

Bà Choe nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi chính sách một cách có điều kiện vì “những thông số bên ngoài như lịch trình chính trị nội bộ của ai đó”. Tuy nhiên, ông Biegun dự kiến đưa ra một thông điệp cho Triều Tiên trong cuộc họp báo từ Seoul. 

Triều Tiên hôm qua nhắc lại rằng, họ không có ý định khôi phục đối thoại với Mỹ. Ông Kwon Jong Gun, Vụ trưởng Vụ các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên, phát biểu, Hàn Quốc đã diễn giải sai về tuyên bố của Bình Nhưỡng nhằm gạt bỏ một “tin đồn không đúng lúc” về một cuộc gặp thượng đỉnh nữa giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Kwon cũng chế nhạo lời kêu gọi “vô nghĩa” của Hàn Quốc về việc nối lại đàm phán Mỹ - Triều khi Seoul đã đánh mất vai trò trung gian. 

Một số nhà phân tích cho rằng, Triều Tiên sẽ tránh đối thoại nghiêm túc với phía Mỹ vào thời điểm này và sẽ chỉ tập trung gây sức ép với Hàn Quốc để tăng quyền mặc cả trước khi trở lại đàm phán và sau khi cuộc bầu cử Mỹ diễn ra. Giới quan sát tin rằng, Bình Nhưỡng có thể không muốn chấp nhận bất kỳ nhượng bộ hay cam kết nào khi vị trí lãnh đạo nước Mỹ có thể sẽ thay đổi.

Sau chuyến đến Hàn Quốc, ông Biegun sẽ sang Nhật Bản. Sau khi đoàn Mỹ phải xét nghiệm COVID-19, ông Biegun dự kiến thảo luận với các quan chức chính phủ Nhật về tình hình Hong Kong, sau khi Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới với đặc khu hành chính này. 

Trong một diễn biến liên quan, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản đang thảo luận một nghị quyết nhằm yêu cầu chính phủ huỷ mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Tokyo vì luật an ninh quốc gia mới của Hong Kong, JiJi Press đưa tin.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.