Pháp, Đức và Anh cùng gửi công hàm lên LQH bác yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông

Trung Quốc có yêu sách trên hầu khắp biển Đông
Trung Quốc có yêu sách trên hầu khắp biển Đông
TPO - Ngày 16/9, ba nước Pháp, Đức và Vương quốc Anh gửi Công hàm cùng một nội dung tới Ban thư ký Liên Hợp Quốc để bày tỏ lập trường chung của ba nước về các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông.

Ba nước bày tỏ lập trường đối với yêu sách Trung Quốc đề cập đến trong các Công hàm của nước này mang số hiệu CML/14/2019 ngày 12/12/2019, CML/11/2020 ngày 23/3/2020, CML/42/2020 ngày 17/4/2020, CML/46/2020 ngày 2/6/2020, CML/48/2020 ngày 18/6/2020, CML/54/2020 ngày 29/7/2020 và CML/56/2020 ngày 7/8/2020, cũng như phụ lục trong lá thư ngày 9/6/2020 của Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, liên quan đến đệ trình yêu sách thềm lục địa của Malaysia ngày 12/12/2019 gửi tới Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa. 

Pháp, Đức và Anh, với tư cách là các Quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, mong muốn tái khẳng định lập trường pháp lý của mình như sau:
Pháp, Đức và Anh nhắc lại tính chất phổ quát và thống nhất của UNCLOS 1982 - công ước đặt ra khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên đại dương và biển, đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải duy trì tính toàn vẹn của Công ước, như được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tái khẳng định trong nghị quyết hàng năm về đại dương và luật biển.

Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không bị cản trở thực thi quyền tự do trên biển cả, đặc biệt là quyền tự do đi lại trên biển và trên không, và quyền đi lại vô hại được ghi trong UNCLOS, bao gồm cả ở biển Đông.

Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong Công ước về việc áp dụng các đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo được xác định trong Phần II và Phần IV của UNCLOS 1982. Bởi vậy, không có cơ sở pháp lý nào cho các quốc gia lục địa gộp các quần đảo hoặc các thực thể địa lý biển thành một đơn vị tổng thể mà không tôn trọng các quy định liên quan trong Phần II của UNCLOS 1982 hoặc bằng cách sử dụng các quy định trong Phần IV chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo.

Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong Công ước về việc áp dụng chế độ đảo đối với các thực thể địa lý được hình thành tự nhiên. Các hoạt động xây đảo hoặc các hình thức biến đổi nhân tạo khác không thể thay đổi quy chế pháp lý của một thực thể địa lý theo UNCLOS 1982.

Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh rằng các yêu sách liên quan đến việc thực thi "quyền lịch sử" trên biển Đông là không tuân thủ luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS 1982, và nhắc lại rằng phán quyết ngày 12/7/2016 của trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc đã khẳng định rõ ràng điều này.

Pháp, Đức và Anh giữ quan điểm rằng tất cả các yêu sách biển ở biển Đông cần được thiết lập và giải quyết một cách hoà bình phù hợp với các nguyên tắc và các điều khoản của UNCLOS 1982 cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong Công ước.

Lập trường trên được tái khẳng định mà không phương hại đến các yêu sách cạnh tranh chủ quyền của các quốc gia ven biển đối với các thực thể đất được hình thành tự nhiên và các khu vực thềm lục địa ở biển Đông. Pháp, Đức và Anh giữ vị trí trung lập (đối với những yêu sách này).

Công hàm chung này phản ánh những lập trường pháp lý lâu dài của chúng tôi và bổ sung cho mà không phương hại đến bất kỳ lập trường nào khác mà Pháp, Đức và Anh đã nêu trong quá khứ, cả ở phương diện song phương hay cùng với các Quốc gia thành viên khác của UNCLOS 1982.

Với tư cách là các quốc gia thành viên UNCLOS 1982, Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do của mình như được quy định trong UNCLOS 1982 và góp phần thúc đẩy hợp tác trong khu vực theo quy định của Công ước.

MỚI - NÓNG