Pháp sẽ có luật kiểm soát tin giả

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ mạnh tay với tin tức giả mạo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ mạnh tay với tin tức giả mạo.
TP - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang chuẩn bị giới thiệu dự luật chống tin tức giả mạo dự kiến được ban hành cuối năm 2018. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, điều này có khả năng gây bức xúc dư luận vì vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Đề xuất của ông Macron được công bố  tuần trước và Pháp sẽ bổ sung vào danh sách các nước châu Âu đang có hành động chính thức chống lại thông tin sai lệch trên mạng. Đức đã ban hành đạo luật tương tự và có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua. Cộng hòa Séc đã thành lập một tổ công tác chống tin tức giả mạo từ một năm trước.

Mặc dù các nội dung cụ thể của đạo luật chưa được tiết lộ, nhưng nó sẽ cho phép thẩm phán quyền hạn khẩn cấp để loại bỏ hoặc chặn một số nội dung nhất định được coi là giả mạo trong thời kỳ nhạy cảm của các cuộc bầu cử. Nó cũng đòi hỏi tính minh bạch cao hơn đối với nội dung được tài trợ và cho phép cơ quan giám sát truyền thông Pháp chống lại bất kỳ nỗ lực gây bất ổn nào do các  tổ chức truyền thông có sự tài trợ của nước ngoài thực hiện.

Tại cuộc họp báo hồi tuần trước, Tổng thống Macron cho biết: “Hàng ngàn tài khoản tuyên truyền trên mạng xã hội đang lan rộng trên khắp thế giới, bằng tất cả ngôn ngữ và những lời nói dối nhằm bôi nhọ các nhà chính trị, nhà báo, các nhân vật của công chúng. Chúng ta sẽ phát triển các biện pháp  pháp lý để bảo vệ nền dân chủ trước các tin tức giả mạo”.

Tin tức giả mạo là một vấn đề đối với ông Macron trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017. Lúc đó, ông bị phao tin là được hưởng lợi từ các tài khoản ở nước ngoài. Chưa kể đến ngày cuối cùng trước cuộc bầu cử, hàng ngàn email và các thông tin nội bộ trong đảng của ông Macron bị rò rỉ. Các tài khoản tung tin giả mạo được cho là thuộc các tổ chức truyền thông nước ngoài có văn phòng đại diện tại Pháp.

Bà Xenia Fedorova, Trưởng đại diện của hãng tin RT tại Pháp, nói rằng, phóng viên RT đã bị phân biệt đối xử trong tác nghiệp tại Pháp. Bà lo ngại rằng, với luật chống tin giả của ông Macron, không chỉ quyền tự do ngôn luận bị giảm bớt, mà nó còn có thể dẫn đến việc các nhà báo bất đồng quan điểm bị kiểm duyệt và đàn áp. Không chỉ ở Pháp, kênh tiếng Anh của RT tại Mỹ cũng đã bị hạn chế hoạt động nhằm trả đũa cho việc đăng những thông tin bất lợi về Quốc hội Mỹ.

Phần lớn các nhà báo Pháp không đứng về phía RT. Tuy nhiên, một số người cũng lo ngại rằng, đạo luật mới sẽ không có tác dụng chống lại thông tin sai lệch, mà tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Tờ Le Monde có một bài xã luận cho rằng, cho dù đạo luật này có thiện chí, nhưng nó có thể bị coi là hạn chế quyền tự do ngôn luận cho các mục đích chính trị. Đây có thể là một tiền lệ nguy hiểm trong Liên minh châu Âu, nơi các phong trào cánh hữu và dân tộc đang gia tăng.

Frédéric Martel, đại diện kênh phát thanh Văn hoá tại Pháp, nói: “Tôi rất sợ những ảnh hưởng xấu của một đạo luật có ý định tốt ở Pháp có thể xuất hiện ở các nước khác. Tôi tin Tổng thống Macron là người ủng hộ tự do ngôn luận, nhưng rất có thể các nước châu Âu khác có thể lợi dụng điều này để làm với mục đích khác”.

Theo Theo The Washington Post
MỚI - NÓNG