Phía sau hiện tượng quan chức Trung Quốc tới tấp tự sát

Bà Hồ Hân, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mặt trận báo chí, tự sát ở tuổi 66
Bà Hồ Hân, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mặt trận báo chí, tự sát ở tuổi 66
TP - Trong hai ngày 3 và 4/12 liên tiếp xảy ra hai vụ quan chức tự sát đều với nguyên nhân được cho là “mắc chứng trầm cảm” khiến dư luận hoài nghi liệu đây có phải là sự thực? Việc hàng chục quan chức nối nhau tự sát khiến cộng đồng mạng cảm thấy khó hiểu, lo sợ...

Theo Tân Kinh Báo (Bắc Kinh), tối 4/12, trang weibo chính thức của chính quyền quận Vinh Xương, Trùng Khánh đưa tin: “Trưa 4/12, ông Ngô Tu Viễn, Phó cục trưởng thường trực Cục Công an Vinh Xương đã tự sát chết tại phòng làm việc. Di thư cho thấy ông bị trầm cảm, lại thêm người thân lâm trọng bệnh nên áp lực quá lớn. Quận ủy và chính quyền quận đã rất coi trọng, đang làm tốt việc an ủi động viên gia đình và giải quyết hậu sự”. Trang web của Cục CA quận Vinh Xương thể hiện, lần xuất hiện gần nhất của ông Viễn là hôm 15/11 khi tham dự cuộc tọa đàm giao lưu giữa công an hai quận Đại Túc và Vinh Xương.

Cùng ngày 4/12, trang “The Paper” của Thượng Hải đưa tin, ông Khưu Học Phong, Phó giám đốc tạp chí “Thế giới nghe nhìn” (Giang Tây) đã nhảy lầu tự tử tối 3/12 và để lại di thư vì “không chịu được sự giày vò của bệnh tật”. Trước đó mấy ngày, hôm 29/11, trang weibo của Cục Công an thành phố Phàn Chi Hoa, Tứ Xuyên đưa tin, sáng cùng ngày, ông Chu, 49 tuổi, Hiệu trưởng Trường Công trình kiến trúc Phàn Chi Hoa đã nhảy lầu tự sát. Bà vợ ông cho cảnh sát biết chồng bà mắc chứng trầm cảm.

Gần đây, quan trường Trung Quốc thỉnh thoảng lại xảy ra sự kiện quan chức chết bất thường, những người chết thường được thông báo là tự sát do mắc chứng trầm cảm, mọi người đã nghe quen từ này đến mức nó trở thành đề tài đàm tiếu mỗi khi nghe tin có ai đó vừa chết.

Theo dõi qua thông tin trên báo chí thì thời gian qua khá dày đặc tin về quan chức tự sát: Hôm 26/11, Dương Tổ Huy, Phó chủ tịch HĐND xã Song Hà, huyện Uy Tín, Vân Nam đột tử tại nhà; cảnh sát nói “loại trừ nguyên nhân bị người khác giết”; Ngày 19/11, Từ Minh, Cục trưởng Nhân sự Xã hội thành phố Ngõa Phòng, Liêu Ninh nhảy lầu chết; cùng ngày ông Hạ Xuân Quảng, Chủ tịch HĐND thành phố Bắc Phiêu, Liêu Ninh nhảy sông chết; Chiều 12/11, ông Hứa Diệu Đông, Bí thư đảng ủy Học viện Công trình tỉnh Hắc Long Giang bị phát hiện đã treo cổ tự tử tại phòng làm việc.

Ngày 6/11, bà Hồ Hân, nguyên Tổng biên tập tạp chí “Mặt trận báo chí” trực thuộc Nhân dân Nhật báo đã nhảy từ tầng 19 tòa nhà trụ sở Nhân dân Nhật báo xuống tự sát chết ở tuổi 66. Truyền thông Trung Quốc nói, bà Hân bị trầm cảm, nhưng trang tin Đa Chiều dẫn ý kiến một nhà phân tích: “Bà ấy không bị cuộc sống bức bách, tuổi này càng không thể tự tử vì tình. Thế thì, chắc là bị dính vào việc xấu gì đó sắp bị phơi bày, hoặc để bảo vệ bí mật chết người nào đó”.

Trước đó, hôm 15/9, Cục CA Cát Châu, Giang Tây thông báo: lúc 10 giờ sáng cùng ngày, cảnh sát nhận được tin báo trước Tòa nhà Cục Thuế vụ thành phố có người nhảy lầu. Tại hiện trường xác nhận, người chết là Tống Huy, Phó Cục trưởng Thuế vụ thành phố Cát An.

Ngoài ra, còn có ít nhất 24 vụ tự sát chết người khác được báo chí ghi nhận; tuy nhiên nguyên nhân cụ thể của những cái chết do tự sát này không được công bố cụ thể. Các vụ nghiêm trọng  như Trịnh Hiểu Tùng, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc chính phủ trung ương tại Macao nhảy lầu nêu trên hay Đoàn Kim Bảo, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Thiên Tân cắt tay tự sát; Vương Hiểu Minh, Phó Tổng thư ký chính quyền thành phố Bắc Kinh “ngã lầu chết”, đều chỉ được nhà chức trách thông báo do “mắc chứng trầm cảm”.

Cùng Đoàn Kim Bảo và Vương Hiểu Minh, trong tháng 5/2018 còn có hai vụ “ngã lầu chết” khác là Thành Vạn Đông Phó ban Tổ chức huyện ủy Kiến Hồ, Giang Tây và Hồ Hổ Sâm, Phó ban Tuyên truyền thành ủy Ninh Ba, Chiết Giang, nguyên nhân tự sát cũng không được làm rõ.

Chỉ có duy nhất một vụ quan chức tự sát trong năm nay được cho là “tự sát vì sợ tội” là Lý Lạc Bành, Phó Cục trưởng Công an thành phố Phổ Nhĩ, Vân Nam hồi tháng 8. Một vụ “sợ tội tự sát” khác từng gây chấn động là Trương Dương, Thượng tướng, nguyên Chủ nhiệm Bộ công tác Chính trị Quân ủy treo cổ tại nhà riêng hôm 23/11/2017.

Nguyên nhân những cái chết do tự sát này thường được đưa qua loa, điều tra cũng qua quýt, phần lớn đều được quy chụp “mắc chứng trầm cảm”. Theo “Tân Kinh báo”, từ 2009 đến 2017 có cả thảy 243 quan chức tự sát, khoảng một nửa số này được xác nhận “mắc chứng trầm cảm”. Các quan chức tự sát phần đông trong độ tuổi 45 đến 55, áp lực hàng đầu là đến từ công việc, như bất hòa trên dưới, bị điều động ngang cấp, cạnh tranh với đồng nghiệp hay con đường thăng tiến không được hanh thông.

Giới bình luận nước ngoài cho rằng hiện tượng tự sát có liên quan đến các chiến dịch chống tham nhũng. Tiến sĩ Tâm lý học Dương Ninh Viễn ở Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho rằng có khả năng nhiều người chết do bị mưu sát, thậm chí có người khi biết mình sắp ngã ngựa đã lựa chọn cái chết để bảo vệ người thân và tài sản.

Tờ Đông Phương nhật báo bình luận: trong một không khí xã hội “tất cả vì tiền”, việc quan chức liên tiếp tự sát có liên quan đến sinh thái quan trường. Hiện nay quan trường đã hình thành cuộc đấu tranh quyền đoạt lợi, dù có nỗ lực cũng không thể tiến bộ, ai muốn tiến bộ thì phải trả giá, gồm tiền bạc và cả nhân cách, Dùng tiền bạc và đánh mất nhân cách để đổi lấy chức vụ, đương nhiên khiến người ta thay đổi, dễ sa vào vòng xoáy đấu đá và tranh giành lợi ích.

MỚI - NÓNG