Phong cách của Tổng thống Mỹ Trump sau một năm cầm quyền

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
TPO - Ngày 20/1/2017, chính thức đánh dấu một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điểm nổi bật nhất về phong cách cầm quyền của ông Trump trong năm qua chính là “đi ngược lại” đường lối chính sách của các lãnh đạo trước đây.

Tổng thống Mỹ Trump được các nhà phân tích mệnh danh là người theo phe phản đối đường lối chính sách trước đây. Điều này được minh chứng bằng một loạt động thái thể hiện sự bất mãn và phủ định “sạch trơn” của ông đối với các đường lối, chủ trương, chính sách và luật pháp của những người tiền nhiệm.

Ngay sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Trump, một mặt nỗ lực xóa bỏ một loạt di sản chính trị của cựu Tổng thống Barack Obama, như rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, thúc đẩy hủy bỏ Chương trình bảo hiểm y tế giá rẻ (Obamacare), rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có ý định xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mặt khác, ông Trump quảng bá và đẩy mạnh các chính trị của mình bằng cách ban hành sắc lệnh cấm người Hồi giáo, hạn chế người tị nạn bất hợp pháp, xây bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico, thúc đẩy cải cách thuế, khởi động xây dựng cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn.

Đặc biệt, ông Trump dựa vào một nhóm cố vấn mà ông tin tưởng, trong đó có nhiều người là người nhà của ông để đưa ra mệnh lệnh, đây vừa là sự tiếp tục thói quen quản lý công ty mà ông với tư cách là ông chủ, vừa là sự thể hiện không tin tưởng thể chế quan liêu. 

Hơn nữa, với việc để các thành viên trong gia đình của mình đóng vai trò quan trọng hiếm thấy trong nhóm cố vấn đã khiến cho quá trình quyết sách trở nên phức tạp hơn. 

Thất bại nhiều hơn thành công

Mặc dù, Tổng thống Trump có ưu thế về “chính phủ thống nhất” với việc đảng Cộng hòa của ông đồng thời kiểm soát cơ quan hành pháp và lập pháp, nhưng xem xét lại 1 năm cầm quyền của ông dường như thành quả đạt được như mong muốn là không nhiều.

Do sự phản đối của một số nghị sĩ đảng Cộng hòa, việc hủy bỏ Obamacare thất bại, việc xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran cũng gặp nhiều trở ngại.

Sắc lệnh cấm người Hồi giáo gặp trắc trở, đến cuối năm 2017 mới ngã ngũ.

Việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico tuy đã được khởi động, nhưng hiệu quả chưa rõ ràng. Phương án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn vẫn chưa được ban hành.

Điểm sáng thực sự là ngày 21/12/2017, Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua Dự luật giảm thuế và ngày hôm sau Donald Trump đã ký thành luật. Luật cải cách thuế có quy mô lớn nhất kể từ năm 1986 được coi là thắng lợi lập pháp quan trọng trong năm đầu tiên trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Các quan điểm chỉ trích cho rằng, Đạo luật này sẽ khiến bất công xã hội gia tăng khi chỉ làm lợi cho những người giàu và siêu giàu, còn những người nghèo và trung lưu thì càng nghèo đi.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, xét từ hiệu quả cầm quyền trong năm đầu tiên của Donald Trump, trên phương diện chính trị, biểu hiện là tỷ lệ ủng hộ thấp, sự chia rẽ chính trị và đấu tranh phe phái trầm trọng hơn, sự không thích ứng trong nội bộ đảng Cộng hòa đối với Donald Trump.

Trong phần lớn thời gian của năm đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ của Donald Trump chỉ có hơn 30%, điều này đã lập kỷ lục về tỷ lệ ủng hộ thấp trong năm đầu tiên cầm quyền của tổng thống Mỹ. 

Đặc biệt, ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa đã xuất hiện sự đối lập sâu sắc giữa các phe phái ủng hộ và phản đối đường lối chính sách trước đây.

Điều này cho thấy, nước Mỹ năm 2018, năm 2018 được dự báo sẽ là một năm đầy thách thức cho chính quyền Trump trên tất cả các mặt trận. Đặc biệt, vẫn còn nhiều chia rẽ sâu sắc.

Chính phong cách cầm quyền có phần “khác người” của ông Trump cùng với đó là việc ban hành nhiều quy định đi ngược lại chính sách của những người tiền nhiệm đã, đang và sẽ đẩy nước Mỹ lún sâu hơn vào chia rẽ nội bộ.

MỚI - NÓNG