Sắc đỏ 2017

Tranh: Dana Summers (Mỹ)
Tranh: Dana Summers (Mỹ)
TP - Thế giới năm 2017 trong con mắt nhiều họa sĩ biếm rực sắc đỏ. Từ tham vọng hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa của một rồng đỏ Trung Quốc không còn giấu mình chờ thời mà công khai trỗi dậy tới chảo lửa Trung Ðông sau khi vị tổng thống tóc màu vàng, da mặt màu cam công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Từ những lần hỏa tiễn Triều Tiên phụt lửa bay vượt biển khiến Hàn-Nhật-Mỹ sợ xanh mặt tới chiến thắng của Iraq, Syria, Nga… trong những đợt truy kích đội quân cờ đen IS. Từ cuộc chia ly màu đỏ Anh-EU đến những cáo buộc gay gắt ở vùng Vịnh…

Ðích đến

Năm 2017, Triều Tiên liên tục thử tên lửa, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 (phóng ngày 29/11) được cho là mạnh nhất từ trước tới nay, có thể vươn tới bất kỳ đâu trên đất liền Mỹ. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres coi Triều Tiên là điểm nóng nhất trong các vấn đề an ninh thế giới hiện nay, kêu gọi các bên tăng cường đối thoại.

Vượt núi

Sắc đỏ 2017 ảnh 1

Tranh: Rytis Daukantas (Lithuania).

Emmanuel Macron (sinh năm 1977) giành được nhiều phiếu nhất trong vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp 2017, thắng tiếp vòng hai trước ứng viên Marine Le Pen ngày 7/5/2017 rồi nhậm chức tổng thống Pháp ngày 14/5/2017, trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử. Năm 2016, ông thành lập En Marche! (Tiến bước) - một đảng cấp tiến và tự do xã hội. Một ngày sau khi đắc cử tổng thống, ông đổi tên đảng thành đảng Cộng hòa Tiến bước với đường lối trung dung, không theo cánh tả cũng như cánh hữu. Chiến thắng của ông Macron có ý nghĩa to lớn, xóa bỏ nguy cơ Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu, góp phần ngăn chặn xu hướng dân tộc cực hữu ở châu Âu.

Ði xuống

Sắc đỏ 2017 ảnh 2

Tranh: Tjeerd Royaards (Hà Lan).

Ngày 21/11/2017, Tổng thống Mugabe chấp nhận từ chức. Ông Mugabe được ca ngợi là một anh hùng cách mạng, giúp giải phóng Zimbabwe khỏi chủ nghĩa thực dân Anh, chủ nghĩa đế quốc và luật lệ thiểu số người da trắng. Tuy nhiên, ông cũng bị cáo buộc là tham quyền cố vị, cai trị bằng “bàn tay sắt”, đàn áp những người bất đồng chính kiến, can thiệp bầu cử, phải chịu trách nhiệm chính cho tình trạng kinh tế Zimbabwe kiệt quệ, tham nhũng tràn lan…

Lụi tàn

Sắc đỏ 2017 ảnh 3

Tranh: Schot (Hà Lan).

Ngày 7/12/2017, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, Syria đã sạch bóng lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hai ngày sau, Thủ tướng Iraq tuyên bố các lực lượng của Iraq đã đánh bật hoàn toàn IS ra khỏi nước này.Tuy nhiên, cuộc chiến chống IS chưa kết thúc vì sự nổi dậy của IS mang tính toàn cầu, mở rộng cả về không gian lẫn thời gian và được thúc đẩy bằng hệ tư tưởng.

Chia ly

Sắc đỏ 2017 ảnh 4

Tranh: Kyle Patterson (Anh).

Ngày 29/3/2017, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố kích hoạt Ðiều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán Brexit, đánh dấu giây phút chính thức bắt đầu vụ “ly hôn” lịch sử giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). Ðể chấm dứt cuộc “hôn nhân” kéo dài 44 năm, hai bên dự kiến phải đàm phán tới 2 năm, trong niềm tiếc nuối của nhiều người dân EU, trong đó có không ít công dân Anh.

Cô lập

Sắc đỏ 2017 ảnh 5

Tranh: Patrick Chappatte (Thụy Sĩ).

Tháng 6/2017, năm quốc gia Ảrập gồm Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Ảrập Xêút, Ai Cập, Bahrain và Yemen tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, đóng cửa biên giới với Qatar với cáo buộc Qatar đang ủng hộcác tổ chức khủng bố, cực đoan. Ðây được coi là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất tại khu vực vùng Vịnh trong nhiều năm qua. Nhiều người còn lo ngại Qatar sẽ bị truất quyền đăng cai World Cup 2022.

Chìm nổi

Sắc đỏ 2017 ảnh 6

Tranh: Manny Francisco (Philippines).

Ngày 23/1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cũng trong năm 2017, ông Trump đảo ngược nhiều chính sách kinh tế, ngoại giao quan trọng khác như rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO); tăng cường kiểm soát nhập cư; cắt giảm chi tiêu ngoại giao, viện trợ quốc tế… Tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ở Ðà Nẵng, 11 nước thành viên TPP (không có Mỹ) đã đạt được thỏa thuận cốt lõi cho TPP-11, đổi tên TPP thành Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

MỚI - NÓNG