Sẽ khuyến nghị các lãnh đạo APEC 3 vấn đề

Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) nhất trí về ba khuyến nghị chính sẽ đệ trình các nhà lãnh đạo APEC. Ảnh: Mạnh Thắng.
Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) nhất trí về ba khuyến nghị chính sẽ đệ trình các nhà lãnh đạo APEC. Ảnh: Mạnh Thắng.
TP - Tại kỳ họp lần thứ 4 diễn ra hôm qua ở Đà Nẵng, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) nhất trí về ba khuyến nghị chính sẽ đệ trình các nhà lãnh đạo APEC trong cuộc họp ngày 10/11 và xây dựng chương trình hành động cho năm tới tại Papua New Guinea - nền kinh tế chủ nhà APEC 2018. 

Ba khuyến nghị gồm: tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực, dỡ bỏ hàng rào bảo hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển thương mại, đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỹ thuật số; Tầm nhìn 2020 và các năm sau đó. 

Các nhóm công tác của ABAC đã xây dựng 20 khuyến nghị, nhưng cuối cùng ABAC chỉ chọn ba vấn đề cốt lõi trực tiếp ảnh hưởng khu vực để đệ trình các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Chủ tịch ABAC 2017 Hoàng Văn Dũng nói với các phóng viên sau phiên họp toàn thể kỳ họp lần thứ 4 của ABAC.

Theo ông Dũng, APEC cần giương cao ngọn cờ toàn cầu hóa, khu vực hóa, gia tăng nỗ lực để đạt được mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Cùng nhau đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực, APEC sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu ổn định, thịnh vượng và bao trùm hơn.

Hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng trỗi dậy ở nhiều nước, nhưng toàn cầu hóa vẫn là một xu thế khách quan phản ánh quy luật lợi thế so sánh, nhu cầu mở rộng thị trường trao đổi hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Internet kết nối vạn vật đang phát triển mạnh mẽ.

Vì vậy, 21 nền kinh tế thành viên APEC cần tập trung tích cực dỡ bỏ hàng rào bảo hộ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số. Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp và hơn 50% lực lượng lao động của các nền kinh tế APEC, đóng góp 20-50% cho GDP của phần lớn nền kinh tế.

Ngày 5/11, ngoài phiên khai mạc toàn thể kỳ họp lần thứ 4 của ABAC diễn ra cuộc họp khai mạc của Chủ tịch, đồng Chủ tịch ABAC và Chủ tịch các nhóm công tác chuyên đề, họp Nhóm Tài chính & Kinh tế và Nhóm Hội nhập Kinh tế khu vực.

Một trong những đại biểu tại cuộc họp là doanh nhân Hong Kong Allan Zeman - người được coi là cha đẻ của khu vực vui chơi giải trí Lan Quế Phường nổi tiếng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ông Zeman cho rằng, các nền kinh tế APEC, cụ thể là các vị lãnh đạo cấp cao nhất cần có tư duy cởi mở hơn về tự do hóa thương mại, đầu tư cũng như các vấn đề liên quan kỹ thuật số như mua sắm, giáo dục, đào tạo online, trí tuệ nhân tạo…

Ngày 6/11 sẽ diễn ra các cuộc họp của Nhóm Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ & Doanh nhân, Nhóm Kết nối, Nhóm nhỏ chuẩn bị cho phiên đối thoại ABAC với các lãnh đạo APEC, phiên họp bế mạc của Chủ tịch, đồng Chủ tịch ABAC và Chủ tịch các nhóm công tác chuyên đề, phiên bế mạc toàn thể và họp báo ABAC.

ABAC hiện có 63 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ba đại diện của Việt Nam tại ABAC gồm ông Hoàng Văn Dũng, ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn) và ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Sovico Holdings).

Với vai trò Chủ tịch, Việt Nam đã chủ trì kỳ họp và triển khai các hoạt động của ABAC theo chủ đề chính “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.