Sóng gió chưa buông tha Thủ tướng Canada

Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh:Getty Images
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh:Getty Images
TP - Một vụ bê bối kéo dài vẫn tiếp tục bủa vây Thủ tướng Canada Justin Trudeau và đảng Tự do, đến mức có thể đe dọa tương lai chính trị của người đứng đầu chính phủ Canada khi chỉ còn 7 tháng nữa là đến bầu cử. 

Mọi chuyện bắt đầu từ khi báo Canada Globe and Mail đưa tin hôm 7/2 rằng bà Jody Wilson-Raybould, cựu bộ trưởng Tư pháp, đã bị gây sức ép phải giúp một công ty xây dựng trụ sở ở Quebec (Canada) giải quyết một vụ án hình sự và tránh bị truy tố với cáo buộc hối lộ quan chức ở Libya để giành được hợp đồng chính phủ.

Bà Wilson-Raybould sau đó thừa nhận trong phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện rằng bà đã đối mặt với “những đe dọa trắng trợn” và bị áp lực “liên tục” để phải giúp SNC-Lavatin, một công ty lớn ở Canada đang sử dụng 9.000 người lao động ở Canada và hàng ngàn người khác trên khắp thế giới. Công ty này nếu bị kết tội sẽ không thể giành được hợp đồng nào trong cả chục năm.

Thủ tướng Trudeau bác bỏ những cáo buộc này, nhưng dư luận Canada vẫn nổi sóng và dẫn đến nhiều vụ từ chức.

Trong một đợt cải tổ nội các vào tháng 1 vừa qua, bà Wilson-Raybould được điều chuyển làm bộ trưởng các vấn đề cựu chiến binh, nhưng đến tháng 2 bà từ chức.

Ông Gerald Butts, trợ lý hàng đầu của ông Trudeau, cũng từ chức hồi tháng 2 sau khi bị cáo buộc đã gây sức ép đối với cựu bộ trưởng Tư pháp.

Gần đây nhất, bà Jane Philpott, người từng giữ nhiều vị trí trong nội các của ông Trudeau trước khi trở thành chủ tịch Hội đồng Kho bạc, từ chức hôm 4/3. Bà nói rằng bà mất niềm tin vào cách xử lý của chính phủ.

Đến hôm 6/3, xuất hiện trước Ủy ban tư pháp Hạ viện, ông Butts phản bác lại lời bà Wilson-Reybould và nói rằng ông tin nguyên nhân khiến bà Wilson-Reybould nói như trên vì bà tin rằng bà bị thay đổi vị trí trong nội các là do bà “từ chối đàm phán bên ngoài tòa án với SNC”.

Thủ tướng Trudeau bác bỏ những lời nói của bà Wilson-Raybould trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Nhưng vụ việc gây tranh cãi này đã ảnh hưởng đến hình ảnh một chính trị gia trong sạch mà ông gây dựng.

Ông Daniel Beland, giám đốc Viện nghiên cứu McGill, Canada, cho rằng vụ việc gây hoài nghi về “tính độc lập và chính trực” của hệ thống tư pháp. “Vụ việc đã bắt đầu ảnh hưởng đến Thủ tướng và phe Tự do trong các cuộc thăm dò dư luận”, CNN dẫn lời ông Beland.

Ông Trudeau, con trai cựu Thủ tướng Pierre Trudeau, đắc cử từ tháng 11/2015, trở thành một gương mặt lãnh đạo mới mẻ. Trước đây ông được khen là người làm chính trị theo lối riêng biệt. “Nhưng người ta đang nói trên mạng xã hội rằng ông ấy cũng giống như các chính trị gia khác thôi”, ông Beland nói.

Ông Beland cho rằng Thủ tướng Trudeau chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong cuộc bầu cử tiếp theo sau 7 tháng nữa, nhưng ông và đảng Tự do vẫn còn cơ hội lấy lại uy tín. Theo ông Beland, tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là vấn đề rất quan trọng trong thời điểm này. Bất hòa với Canada sau vụ Phó chủ tịch tập đoàn Huawei bị bắt ở Vancouver gần đây, Trung Quốc cáo buộc Canada là không tôn trọng pháp quyền.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.