Tàu khu trục Úc cùng 3 tàu chiến Mỹ vào biển Đông

Tàu chiến HMAS Parramatta của Hải quân Úc
Tàu chiến HMAS Parramatta của Hải quân Úc
TPO - Một tàu khu trục của Úc đang cùng 3 tàu chiến của Mỹ đi vào khu vực gần nơi tàu khảo sát Trung Quốc bị nghi thực hiện hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển gần Malaysia.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần nơi tàu của công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas đang khoan thăm dò dầu khí, Reuters dẫn các nguồn in an ninh ở khu vực cho biết. 

Hải quân Mỹ ngày 21/4 nói rằng tàu tấn công đổ bộ và tàu tuần dương tên lửa USS Bunker Hill đang hoạt động trên biển Đông. Tàu khu trục HMAS Parramatta của Úc và một tàu khác của Mỹ là USS Barry cũng đang hoạt động ở khu vực, trong lúc hai bên tiến hành một cuộc huấn luyện chung, Bộ Quốc phòng Úc cho biết. 

“Trong các bài huấn luyện, các tàu đã rèn luyện khả năng phối hợp giữa hải quân Úc và Mỹ, bao gồm bài tập tái nạp trên biển, hoạt động bay, diễn tập trên biển và thông tin liên lạc”, Bộ quốc phòng Úc cho biết. 

Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc đang cách bờ biển Malaysia khoảng 325km, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, theo dữ liệu từ Marine Traffic, trang web chuyên theo dõi hoạt động của các tàu trên biển. Được một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, tàu Hải dương Địa chất 8 đang di chuyển theo mô hình phù hợp với kiểu khảo sát địa chất trong gần 1 tuần qua, theo dữ liệu trên Marine Traffic. 

Malaysia chưa lên tiếng về vụ việc, trong bối cảnh một nhóm chuyên gia y tế Trung Quốc tuần này đã đến Malaysia khi nước này đã ghi nhận hơn 5.400 ca mắc COVID-19.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng “các hành vi bắt nạt” trên biển Đông, nhưng Trung Quốc phủ nhận các bài báo nói rằng đang xảy ra một cuộc đối đầu, khẳng định tàu Hải dương Địa chất 8 đang tiến hành hoạt động bình thường. 

Mỹ cáo buộc Trung Quốc thúc đẩy hiện diện trên biển Đông trong khi các nước đang bận đối phó với đại dịch COVID-19. 

Liên quan tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 21/4 khẳng định, là quốc gia ở biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình. 

“Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hoà bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông, khu vực và trên thế giới”, bà Hằng nói trong thông cáo đưa ra ngày 21/4.

Ngày 20/4, Bộ Tài nguyên và Bộ Dân chính Trung Quốc ngang nhiên thông báo đặt tên cho 80 cấu trúc thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Những cấu trúc đó bao gồm 25 đảo, bãi cạn và bãi đá ngầm, cùng 55 núi và rặng núi dưới biển. 

Một ngày trước đó, Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trái luật quốc tế trên biển Đông.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...