Thạc sỹ Hoàng Việt: Thông điệp mạnh mẽ của Mỹ về vấn đề biển Đông

Tàu khu trục Trung Quốc tập trận phóng tên lửa trên biển Đông. Ảnh: AP
Tàu khu trục Trung Quốc tập trận phóng tên lửa trên biển Đông. Ảnh: AP
TP - Mỹ khẳng định tất cả những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng nước xung quanh những cấu trúc này là bất hợp pháp. Mỹ cũng mạnh mẽ chỉ đích danh Trung Quốc là một kẻ bắt nạt, ức hiếp các quốc gia khác và khẳng định Mỹ sẽ phản đối cách hành xử này một cách quyết liệt.

Trao đổi với phóng viên Tin Phong, ThS Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TPHCM, nhà nghiên cứu về biển Đông, cho rằng, tuyên bố lần này của Mỹ rõ ràng hơn và dựa trên phán quyết mà Tòa trọng tài, chỉ đích danh những gì mà Mỹ phản đối, trong đó nói cụ thể một số trường hợp như đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây là những cấu trúc mà Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền. Mỹ cũng nói cụ thể bãi Tư Chính là của Việt Nam. Mỹ khẳng định tất cả những yêu sách của Trung Quốc đối với vùng nước xung quanh những cấu trúc này là bất hợp pháp. Mỹ cũng mạnh mẽ chỉ đích danh Trung Quốc là một kẻ bắt nạt, ức hiếp các quốc gia khác và khẳng định Mỹ sẽ phản đối cách hành xử này một cách quyết liệt.

Ông Việt nói rằng, tuyên bố của Mỹ được đưa ra sau khi Trung Quốc có hàng loạt hành động đe dọa các quốc gia, đặc biệt liên quan vùng đánh cá và hoạt động khai thác dầu khí. Mới đây nhất, Trung Quốc đưa một loạt tàu vào khu vực bãi Luconia mà tàu thăm dò dầu khí West Capella của Malaysia đang hoạt động. Trước đó, Trung Quốc đưa tàu hải cảnh và tàu thăm dò địa chất vào xâm phạm vùng biển của Việt Nam; năm ngoái còn quấy phá suốt 100 ngày. Trung Quốc cũng đưa nhiều tàu vào khu vực quần đảo Natuna của Indonesia, quấy phá vùng biển của Philippines, đâm chìm tàu cá của Việt Nam, khiến các nước ASEAN lo ngại. Căng thẳng trên Biển Đông bị đẩy lên cao trong suốt thời gian qua vì Trung Quốc gây hấn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines và cả Brunei, ông Việt nói.

Thạc sỹ Hoàng Việt: Thông điệp mạnh mẽ của Mỹ về vấn đề biển Đông ảnh 2 ThS Hoàng Việt

Tuyên bố xuất hiện vào thời điểm Mỹ - Trung đang ở giai đoạn cạnh tranh quyết liệt. Mỹ muốn lên tiếng và thể hiện rằng, Mỹ muốn bảo vệ và đấu tranh cho việc bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó Mỹ nhấn mạnh họ tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuyên bố của Mỹ nhằm gửi một thông điệp quan trọng đến Trung Quốc. Washington muốn thể hiện quan điểm để các nước khác đứng về phía Mỹ, khi họ có ý định bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên luật quốc tế. Đây cũng là thông điệp ủng hộ các nước ASEAN khi Trung Quốc hành xử theo lối suy nghĩ “chân lý thuộc về kẻ mạnh”.

Trung Quốc luôn đổ lỗi cho Mỹ gieo rắc bất hòa và khiến tình hình khu vực căng thẳng. Nhưng ThS Việt cho rằng, nếu không có nguyên nhân cơ bản là Trung Quốc hành xử hung hăng, gây hấn trên biển Đông, đe doạ các nước khác thì Mỹ không thể có những hành động như triển khai các nhóm tàu sân bay đến biển Đông tập trận quy mô lớn như thời gian qua, vì Mỹ sẽ không nhận được ủng hộ từ ASEAN.

Hàng loạt công thư, công hàm của các nước Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam và Mỹ gửi lên Liên Hợp Quốc gần đây cho thấy các nước đã có điểm chung, dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài, chống lại những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa những quốc gia khác. Gần đây nhất, ASEAN đưa ra tuyên bố chung khẳng định các bất đồng cần được giải quyết dựa trên UNCLOS 1982. Dù Trung Quốc là thành viên của UNCLOS và luôn nói tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, nhưng Trung Quốc lại diễn giải theo cách của họ, phớt lờ và phỉ báng phán quyết của Tòa trọng tài.

Theo ThS Việt, với tuyên bố lần này và những hành động gần đây của phía Mỹ trên biển Đông, thái độ và hành động của Mỹ về vấn đề biển Đông đã mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Điều này có thể khiến căng thẳng Mỹ - Trung càng bị đẩy lên. Nếu bất cứ bên nào không giữ được bình tĩnh thì có thể gây ra xung đột quân sự tiềm tàng ở khu vực, dẫn đến hậu quả rất xấu.

Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản được công bố ngày 14/7 cáo buộc Trung Quốc tranh thủ đại dịch COVID-19 để thúc đẩy các yêu sách và thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Hoa Đông. Nhật Bản coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài và nghiêm trọng hơn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

MỚI - NÓNG