Tham vọng 'quốc gia hạt nhân' của Triều Tiên đã thành hiện thực?

Ảnh: KCNA
Ảnh: KCNA
TPO - Mặc dù, tuyên bố hoàn thành phát triển năng lực hạt nhân nhà nước, tuy nhiên các chuyên gia quân sự cho rằng, Triều Tiên chưa thể là quốc gia hạt nhân theo các quy định quốc tế hiện hành.

Những quốc gia hạt nhân được thế giới công nhận

Theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968, hiện tại chỉ có 5 quốc gia bao gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh được công nhận là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước này công nhận sự hợp pháp của các kho vũ khí hạt nhân nhưng 5 nước nói trên không được phép sử dụng hoặc dự trữ chúng mãi mãi. Trên thực tế, cả 5 nước đều cam kết sẽ dần loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, có 4 quốc gia khác được cho là đang sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không ký vào Hiệp ước NPT, đó là Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên. Theo ước tính, tổng số đầu đạn tại 4 quốc gia này là trên 300, trong đó Pakistan sở hữu khoảng 140, Ấn Độ khoảng 130, Israel khoảng 75 và Triều Tiên khoảng 30 đầu đạn.

Tính tới thời điểm hiện tại, Nga và Mỹ hiện là hai quốc gia đang nắm giữ nhiều vũ khí hạt nhân nhất, với tổng cộng ước tính khoảng 13.800 đầu đạn, chiếm gần 90% số lượng kho vũ khí toàn thế giới.

Trong đó, Nga ước tính có khoảng 7000 vũ khí hạt nhân và hiện là quốc gia sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới.

Nước Nga bắt đầu chương trình hạt nhân từ những năm 1940. Cùng với Mỹ, Nga tạo nên cuộc chạy đua vũ trang trong thời gian Chiến tranh Lạnh, và những vũ khí hạt nhân từ thời đó vẫn còn trong kho. Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch cắt giảm số lượng nhưng vẫn tích cực hiện đại hóa vũ khí hạt nhân nhằm tạo thế cân bằng với Mỹ.

Mỹ ước tính có khoảng 6800 vũ khí hạt nhân. Nước Mỹ bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân từ năm 1942. Là một thành viên Hiệp ước NPT nhưng Mỹ không bỏ quyền tấn công phủ đầu bằng hạt nhân. Quan điểm của các đời Tổng thống Mỹ đều muốn khôi phục và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân. Quân đội Mỹ tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD để bảo quản và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân trong 10 năm qua.

Theo các chuyên gia quân sự, sức mạnh của vũ khí hạt nhân là vô cùng ghê gớm. Khoảng 15.000 vũ khí hạt nhân có đủ năng lượng để giết hàng triệu người và san phẳng hàng trăm thành phố.

Một nghiên cứu chỉ ra, nếu cộng hai kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ, có thể sản sinh ra hơn 6.600 megaton năng lượng. Con số này bằng một phần mười lượng năng lượng Trái đất nhận từ mặt trời mỗi phút.

Triều Tiên chưa thể là quốc gia hạt nhân được thế giới công nhận

Sau khi tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bắn tới mọi khu vực trên lãnh thổ Mỹ, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này chính thức hoàn thành việc phát triển “lực lượng hạt nhân nhà nước”, đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự Triều Tiên chưa thể là quốc hạt hạt nhân bởi những quy định ngặt nghèo về kiểm soát vũ khí theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân được ký kết năm 1968.

Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên dường như đã quá vội vàng trong việc tuyên bố hoàn thành phát triển chương trình hạt nhân. Việc đưa ra một tuyên bố “mơ hồ, không rõ ràng” vào thời điểm này dường như là hành động có chủ đích của Bình Nhưỡng, nhằm tạo bước đột phá trong cuộc xung đột hiện tại. Động thái này sẽ gia tăng đáng kể vị thế của Triều Tiên trong bất cứ cuộc thương lượng nào với Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố của Triều Tiên là nằm trong tính toán của ông Kim Jong-un với mục đích là muốn thế giới công nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân để ông có thể nhận được những sự nhượng bộ như nới lỏng các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc "đóng băng" kho vũ khí hạt nhân.

Tuy vậy, ngay cả khi Bình Nhưỡng phát tín hiệu rằng giờ đây họ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán như vậy, thì đối với Washington và các đồng minh, việc chấp nhận điều này có thể là không khả thi về mặt chính trị. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc từ bỏ chính sách không phổ biến hạt nhân tồn tại hàng thập niên và có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Đông Bắc Á. 

Ông Kim Dong-yub, nhà phân tích quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông tại Seoul, không tin rằng Triều Tiên sẽ xem xét "đóng băng" chương trình của họ trước khi họ phóng thử thành công ICBM qua Thái Bình Dương và chứng tỏ được công nghệ quay trở lại quỹ đạo của tên lửa nước này.

Theo nhà phân tích này, tuyên bố mới đây của Triều Tiên có thể là một chiến dịch tuyên truyền đối nội. Họ sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong chương trình tên lửa của mình. 

Thực tế, trong mấy tháng gần đây, Chủ tịch Kim Jong-un vẫn khẳng định Triều Tiên đang trong giai đoạn "cuối cùng" đạt được khả năng ICBM toàn diện.

Shin Beom-chul, chuyên gia về an ninh thuộc Học viện Ngoại giao Triều Tiên ở Seoul, nhận định Triều Tiên thấy rằng cần thông báo đã làm được điều này trước khi kết thúc năm. Theo ông Shin, những gì mà Triều Tiên tuyên bố ngày 29/11 là mang tính chính trị chứ không phải kỹ thuật. 

Tuy nhiên, cũng có phân tích cho rằng, xét về mặt năng lực và tiêu chí công nghệ, Triều Tiên hoàn toàn có thể đạt được tiêu chuẩn để trở thành quốc gia hạt nhân.

MỚI - NÓNG