THẾ GIỚI 24H: 100% người Philippines phản đối chính sách Biển Đông

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Philstar.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Philstar.
TPO - Khác với kết quả thăm dò, phe đối lập Philippines khẳng định 100% người Philippines phản đối chính sách Biển Đông "không làm gì" của Tổng thống Rodrigo Duterte, phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chủ tịch Phong trào dân tộc chủ nghĩa kinh tế Philippines Jimmy Regalario trả lời phỏng vấn báo chí, nhấn mạnh: "Trên thực tế, 100% người Philippines chắc chắn không đồng ý, bởi vì chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ nước nào chiếm đóng lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi cũng 100% phản đối việc không làm gì của chính quyền Rodrigo Duterte đối với biển Tây Philippines (Biển Đông)". Trang tin Sohu Trung Quốc ngày 18/7 dẫn kết quả thăm dò mới nhất của Pulse Asia cho biết có 78% người Philippines phản đối chính sách Biển Đông của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho rằng Tổng thống và chính phủ của ông phải tái khẳng định "chủ quyền" của Philippines ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông). Ngoài ra, còn có kết quả thăm dò cho thấy: Mức độ tin tưởng của người dân Philippines đối với Mỹ là 74%, với Nhật Bản là 45%, với Australia là 32%, còn với Trung Quốc chỉ có 17%.


Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào ngày 19-7, hai năm sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Thư ký báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin công bố quyết định này nhưng cảnh báo rằng Ankara có thể ban hành lại tình trạng khẩn cấp nếu có mối đe dọa khủng bố mới. Vào ngày 15-7-2016, một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 240 người thiệt mạng, hơn 50.000 người đã bị bắt, hơn 160.000 quan chức chính phủ và sĩ quan quân đội bị sa thải hoặc đình chỉ công tác. Ankara cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen (sống ở Mỹ từ năm 1999) và những tín đồ thân tín chủ mưu vụ đảo chính này nhưng ông Gulen đã bác bỏ. Sau cuộc đảo chính bất thành, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sửa đổi Hiến pháp để có thêm nhiều quyền lực hơn cho tổng thống.


Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats hôm qua (19/7) cho biết, về mặt kỹ thuật CHDCND Triều Tiên có thể loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình trong vòng 1 năm, song điều này trên thực tế lại dường như không có khả năng xảy ra. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã nói rõ, điều này là khó khăn và cần mất một thời gian. Bởi đây là một quá trình phức tạp hơn nhiều so với suy nghĩ của hầu hết mọi người. Trước đó, hôm 18/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cũng khẳng định nước này không đặt ra khung thời gian cho mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.


Ngày 19/7, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton mời Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Washington vào mùa Thu này, động thái được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi ông Trump có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với nhà lãnh đạo Nga tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ: "Tổng thống Trump đã yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton mời Tổng thống Putin tới Washington vào mùa Thu này và các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được triển khai." Trước đó cùng ngày, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga là "một thành công to lớn."


Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Kirsten Nielsen ngày 19/7 cho rằng, nước Mỹ cần sẵn sàng đối phó với nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử trên toàn nước Mỹ trong năm 2018. Bà Kirsten Nielsen cũng khẳng định Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Phát biểu tại Diễn đàn anh ninh Aspen ở bang Colorado, bà Kirsten Nielsen cho biết, các cơ quan tình báo và Bộ An ninh nội địa Mỹ đều thống nhất rằng Nga đã tìm cách thâm nhập và can thiệp vào hệ thống bầu cử ở Mỹ. Theo Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ, mục tiêu của sự can thiệp của Nga là nhằm gây bất hòa, tuy nhiên bà cũng cho biết chưa có bằng chứng cho thấy sự can thiệp này nhằm mang lại lợi thế cho một đảng chính trị cụ thể ở Mỹ.


Ngày 19/7, trang mạng Zaman Al Wasl của Syria cho biết, các cuộc đụng độ giữa những tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nhóm Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn tiếp tục diễn ra ở khu vực miền Đông Syria. Theo các nhà hoạt động tại địa phương, IS đang giao tranh với SDF để duy trì quyền kiểm soát khu vực giàu dầu mỏ nằm ở giữa các tỉnh Hasaka và Deir Ezzor. Trong 2 tuần vừa qua, SDF đã chiếm được 16 ngôi làng trong một chiến dịch lớn có sự hỗ trợ từ các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu. Khu vực mà SDF vừa mới giành được là các ngôi làng thuộc vùng Afra gần thị trấn Markada, thành trì cuối cùng của IS ở tỉnh Hasaka. Hiện có 5 thị trấn vẫn đang nằm dưới sự kiểm soát của IS ở bờ Đông của sông Euphrates.


Viện Công tố Paris ngày 19/7 đã mở điều tra sơ bộ về việc một nhân vật thân cận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron "bạo hành trong khi thi hành công vụ" và "lạm dụng chức quyền." Vụ việc được đưa ra ánh sáng ngày 18/7 sau khi nhật báo Le Monde tiết lộ đoạn băng video, trong đó ông Alexandre Benalla, phụ trách an ninh trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2017 của ông Emmanuel Macron và hiện là Trợ lý Chánh Văn phòng Tổng thống, trong ngày Quốc tế Lao động (1/5 vừa qua), mang mặt nạ dành cho nhân viên an ninh và có hành vi bạo lực đối với vào một người tuần hành ở thủ đô Paris. 

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG