THẾ GIỚI 24H: Bộ trưởng Y tế Brazil bất ngờ từ chức sau chưa đầy 1 tháng đương nhiệm

Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich. Ảnh: JTA
Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich. Ảnh: JTA
TPO - Bộ trưởng Y tế Brazil Nelson Teich hôm 15/5 nộp đơn từ chức chưa đầy 1 tháng lên tiếp quản vị trí người tiền nhiệm để lại trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh.

Ông Teich thời gian qua được cho là vấp phải nhiều bất đồng với Tổng thống Jair Bolsonaro trong cách đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại.  Bộ trưởng Y tế Brazil phản đối việc sử dụng Hydroxychloroquine điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, điều đang được ông Bolsonaro thúc đẩy. Cả 2 cũng không có tiếng nói chung trong vấn đề mở cửa nền kinh tế. Trong thông báo từ chức, ông Teich vẫn gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Bolsonaro đã trao cho ông cơ hội ngồi vào vị trí Bộ trưởng Y tế. Với 218.23 ca mắc COVID-19 và 13.933 người thiệt mạng, Brazil hiện là vùng dịch lớn thứ 6 trên thế giới. Hệ thống y tế tại nhiều thành phố ở quốc gia Mỹ Latinh đang rơi vào tình trạng quá tải khi phải tiếp nhận quá nhiều bệnh nhân. 


Thành phố Thẩm Dương ở phía bắc Trung Quốc cách ly 7.500 người sau khi phát hiện 3 ca mắc COVID-19 trong 5 ngày qua. Thẩm Dương báo cáo ca nhiễm "nội địa" mới đầu tiên sau 89 ngày vào 11/5 và 2 ca nhiễm "nội địa" mới vào 14/5. Giới chức thành phố 7,5 triệu dân hôm 14/5 xác nhận các ca nhiễm mới có liên quan tới một cụm dịch ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm. 7.500 người bị cách ly là những người trở về từ Cát Lâm từ ngày 22/4 và các trường hợp tiếp xúc với 3 trường hợp nhiễm mới. Họ được yêu cầu cách ly 21 ngày và thực hiện 3 xét nghiệm axit nucleic.


Tàu USS Rafael Peralta được phát hiện đi qua biển Hoàng Hải ngoài khơi Thượng Hải sáng 15/5, một động thái mà các nhà bình luận Trung Quốc mô tả là "đùa với lửa". Theo South China Morning Post, USS Rafael Peralta, tàu khu trục lớp Arleigh Burke, được nhìn thấy cách bờ biển phía đông Trung Quốc khoảng 116 hải lý vào lúc 8h giờ địa phương, theo một hình ảnh vệ tinh được công bố bởi viện chính sách thuộc Đại học Bắc Kinh, trích dẫn từ tín hiệu AIS (hệ thống nhận dạng tự động) của tàu. Đây là tàu chiến thứ 2 của Mỹ xuất hiện ở biển Hoàng Hải trong vòng chưa đầy một tháng qua. Nó đã di chuyển ở các vùng biển gần Trung Quốc kể từ ngày 3/5, theo ảnh vệ tinh.


Ngày 15/5, Liên minh châu Âu (EU) cho biết cuộc đàm phán về quan hệ thương mại mới với Anh không mấy khởi sắc trong tuần này do liên tục gặp phải những quan điểm trái chiều trên các lĩnh vực quan trọng, khiến khả năng đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay càng thêm khó khăn. Giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh rời khỏi EU vào tháng 1/2020 sắp kết thúc, cả hai bên đều gặp phải bế tắc trong các cuộc đàm phán để đưa ra các nguyên tắc hợp tác mới từ năm 2021 về các vấn đề thương mai, ngư trường và an ninh. Vòng đàm phán mới nhất đang diễn ra theo dự kiến sẽ kết thúc ngày 15/5, trước thời hạn chót vào cuối tháng 6.


Cơ quan y tế Đài Loan phản đối điều kiện chính mà Bắc Kinh đặt ra để vùng lãnh thổ này có thể gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - chấp nhận hòn đảo là một phần của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo tại Đài Bắc hôm 15/5, lãnh đạo y tế Đài Loan Trần Thời Trung phản đối điều kiện của Trung Quốc, nói: "Tôi không đời nào chấp nhận một thứ không tồn tại như vậy". Đến nay vẫn chưa phải là thành viên của WHO, Đài Loan đã ra sức vận động để tham gia một hội nghị trực tuyến của Hội đồng Y tế Toàn cầu (WHA), cơ quan ra quyết định của WHO, vào tuần tới với tư cách quan sát viên.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này không có ý định tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán 3 bên nào về kiểm soát vũ khí hạt nhân, với Mỹ và Nga, bất chấp việc Washington liên tục đề nghị. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về tương lai của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí hạt nhân chiến lược mới (START mới) ký năm 2010 - hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn hiệu lực giữa Nga và Mỹ. New START sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, và Mỹ hiện không cam kết gia hạn hiệp ước này, đồng thời phát đi tín hiệu rằng Washington muốn một cơ chế kiểm soát vũ khí sửa đổi có sự tham gia của Trung Quốc.


Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa bất ngờ thay thế cả lãnh đạo cơ quan tình báo và đội trưởng đội vệ sĩ của ông, theo báo chí Hàn Quốc. Tờ Korea Herald dẫn thông tin từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Chủ tịch Triều Tiên đã chọn tướng Rim Kwang Il vào vị trí Giám đốc Tổng cục Trinh sát (RGB), thay ông Jang Kil Song hồi tháng 12/2019. Ông Rim còn được bổ nhiệm làm thành viên Ủy ban Quân sự trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.


7 người đàn ông và 1 phụ nữ bị bắt giữ trong cuộc biểu tình với sự tham gia của 2.000 người ở thủ đô Sofia, Bulgaria nhằm phản đối các lệnh hạn chế. Theo Đại diện Bộ Nội vụ Bulgaria cho biết hôm qua (14/5), cuộc biểu tình trên do nhóm cánh tả Vazrazhdane tổ chức thực hiện. Đây cũng là hoạt động có sự tham gia đông người đầu tiên kể từ khi Bulgaria thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội từ ngày 13/3.

MỚI - NÓNG