THẾ GIỚI 24H: Chiến dịch bài Nga vẫn tiếp diễn ở Mỹ

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Tass
TPO - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng chiến dịch bài Nga được khởi động dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện vẫn tiếp tục được duy trì.

Phát biểu ngày 4/5 tại Helsinki sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Phần Lan Timo Soini, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh trong giai đoạn chuyển giao chính quyền ở Nhà Trắng, mối quan hệ Nga - Mỹ ở mức rất thấp và nguyên nhân là do các chính sách của chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Obama. Ngoại trưởng Nga nêu rõ hiện Washington vẫn tiếp tục cáo buộc Moscow trong nhiều vấn đề, nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào về sự can thiệp của Nga vào công việc nội bộ của nước Mỹ. Thậm chí Quốc hội Mỹ còn thành lập cái gọi là ủy ban điều tra "mối đe dọa" từ Nga.


Hãng truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA) lần đầu tiên chỉ trích Trung Quốc đã cùng Mỹ gây áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng về các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Điều này hiếm khi xảy ra trong quan hệ giữa hai nước. (XEM CHI TIẾT)


Những hành động của Nga ở Đông Âu “có bản chất hung hăng không ngừng”. Đó là tuyên bố của tướng Raymond Thomas, chỉ huy các hoạt động đặc biệt của quân đội Mỹ. Tướng Thomas cũng bày tỏ tin tưởng vào “hiệu ứng tích cực” của chương trình hỗ trợ các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 4/5, ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron gửi đơn khiếu nại lên Văn phòng công tố Pháp liên quan đến cáo buộc của đối thủ Marine Le Pen về việc vị cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp từng sở hữu một tài khoản ở nước ngoài. Trao đổi với báo giới, một thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Macron nêu rõ: "Chúng tôi dứt khoát sẽ kiện bất cứ người nào nhắc lại thông tin sai lệch trên".


Hạ viện Mỹ ngày 4/5 đã tiến hành bỏ phiếu thông qua dự luật chăm sóc y tế mới do chính quyền tổng thống Donald Trump đề xuất thay thế cho Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay còn gọi là Obamacare của chính quyền tiền nhiệm. Với tỷ lệ 217 phiếu thuận, 213 phiếu chống, Dự luật Chăm sóc sức khỏe Mỹ (AHCA) đã chính thức bước qua khe cửa hẹp tại Hạ viện. 


Ngày 4/5, trong khuôn khổ vòng hòa đàm Syria đang diễn ra tại thủ đô Astana (Kazakhstan), đại diện phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn tại Syria. Thỏa thuận cho phép thiết lập 4 vùng an toàn ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Syria được coi là nỗ lực mới nhất của các bên nhằm giảm tình trạng bạo lực kéo dài suốt 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.


Quân đội Iraq ngày 4/5 đã mở mặt trận tiến công mới nhằm giải phóng các khu vực do tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng chiếm giữ về phía Tây Bắc thành phố Mosul. Theo nguồn tin từ một chỉ huy quân đội Iraq, Sư đoàn Thiết giáp số 9 và các đơn vị thuộc Lực lượng Phản ứng nhanh của Bộ Nội vụ Iraq đã hướng về thành phố Mosul. Lực lượng trên sẽ hỗ trợ cho các lực lượng thuộc Lực lượng Tinh nhuệ chống khủng bố và Cảnh sát Liên bang tiến về phía Nam. 


Một tòa án quận ở thủ đô Kiev của Ukraine ngày 4/5 đã hoãn phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Viktor Yanukovych về tội phản quốc để bổ sung lời khai của ông Yanukovych qua video trực tuyến từ Nga. Phiên tòa tới sẽ diễn ra vào ngày 18/5.


Truyền thông Thái Lan cho biết Hải quân nước này vào ngày 7/5 sẽ ký hợp đồng với Tập đoàn Đóng tài và Viễn dương quốc tế Trung Quốc (CSOC) để bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm S26T lớp Yuan đầu tiên trong gói thỏa thuận đóng 3 tàu ngầm mà chính phủ hai nước đã thống nhất. Lễ ký kết dự kiến sẽ diễn ra tại Bắc Kinh trong chuyến thăm Tham mưu trưởng Hải quân, Đô đốc Luechai Rootdit, người đã lên đường đi Trung Quốc ngày 4/5. Chiếc tàu ngầm đầu tiên này có giá trị hợp đồng là 13,5 tỷ baht (khoảng 390 triệu USD) và dự kiến sẽ được chuyển giao trong vòng 6 năm. 

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG