THẾ GIỚI 24H: Đối thoại Shangri-La 'nóng' vấn đề biển Đông

Trung Quốc tiếp tục cử các đại diện “nhẹ ký” tới Đối thoại Shangri-la 2018 Ảnh: STRAITS TIMES
Trung Quốc tiếp tục cử các đại diện “nhẹ ký” tới Đối thoại Shangri-la 2018 Ảnh: STRAITS TIMES
TPO - Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 khai mạc tại Singapore ngày hôm nay 1/6 quy tụ bộ trưởng, quan chức quốc phòng của hơn 50 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đối thoại Shangri-La 2018 có sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng mạnh nhất thế giới. Trong bối cảnh thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có thể diễn ra ngày 12/6 cũng tại quốc đảo sư tử đang lấn át các cuộc thảo luận quốc tế, Đối thoại Shangri-La lần này (kéo dài tới ngày 3-6) là cơ hội để giới chức quốc phòng tập trung vào sự tăng cường hiện diện hải quân của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Đông. Theo các nhà tổ chức sự kiện, bên cạnh vấn đề biển Đông, không bất ngờ nếu Triều Tiên nổi lên như một chủ đề quan trọng nhất tại Đối thoại Shangri-La. Tuy nhiên, vấn đề nóng hổi này sẽ không thể phủ bóng các khủng hoảng cực kỳ quan trọng khác trong khu vực, như định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á, những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố…  


John Nicholson, chỉ huy tối cao của quân đội Mỹ tại Afghanistan ngày 30/5 cho biết, các quan chức chính phủ Afghanistan và các thủ lĩnh cấp cao Taliban đang bí mật đàm phán, có thể sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Trao đổi trực tuyến với báo giới Mỹ, Nicholson không nói cụ thể nhân vật tham gia đàm phán, nhưng tiết lộ rằng Taliban có cả thủ lĩnh cấp cao và cấp trung tham gia, các cuộc đàm phán đề cập đến nhiều cấp độ. “Họ gặp nhau bí mật, chỉ có như vậy cuộc đối thoại mới thành công” – Ông nhấn mạnh. Cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã bày tỏ sẵn sàng hòa đàm với Taliban mà không cần một điều kiện nào, cho phép tổ chức vũ trang này trở thành một đảng phái chính trị tham gia cầm quyền.


Tỷ phú Abramovich có thể ngừng đầu tư vào Chelsea và bán lại CLB cho đối tác khác, sau khi không xin được visa Anh Quốc. Chỉ vài tiếng sau khi kế hoạch xây SVĐ mới trị giá 1 tỷ bảng của Chelsea bị hoãn lại vô thời hạn, nguồn tin gần gũi Abramovich tiết lộ, tỷ phú người Nga cũng từ bỏ hy vọng Bộ Nội vụ Anh cấp thị thực cho mình. Thay vào đó, ông chủ Chelsea đã được đảm bảo nhận visa của Israel. Không được cấp thị thực chính thống, Roman Abramovich sẽ chẳng thể làm việc ở Anh. Nhà tài phiệt này cũng không được phép giữ bất kỳ vị trí nào tại Chelsea, dù là người sở hữu CLB.


Sáng qua (31/5), theo giờ địa phương, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố Mỹ sẽ đánh thuế nhôm và thép EU, Mexico cùng Canada trong vài ngày tới. Trước đó, Reuters đưa tin Washington sẽ công bố kế hoạch đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm của Liên minh châu Âu (EU) vào sáng 1-6 (theo giờ Mỹ, tức vào cuối giờ chiều theo giờ Việt Nam). Hôm 30-5, Mỹ vẫn treo lơ lửng khả năng đánh thuế 25% đối với mặt hàng xuất khẩu nhôm, thép của khối EU sau khi đã gia hạn hai lần (một lần vào tháng 3 và một lần vào đầu tháng 5). Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khi đó cho biết tình hình trở nên tốt hơn hay xấu hơn đều phụ thuộc vào phản ứng của phía EU. Ông Ross nói rằng quyết định của Mỹ sẽ được công bố trước khi thị trường chứng khoán mở cửa hoặc sau khi đóng cửa.


Phát biểu trong một sự kiện tại Tel-Aviv ngày 31/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, Tel Aviv có kế hoạch chống lại Iran tại bất cứ nơi nào ở Syria. Phát biểu của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Avigdor Liberman tới Nga gặp người đồng cấp Sergei Shoygu để thảo luận với Nga về việc loại bỏ tất cả các lực lượng Iran  khỏi Syria. Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình RT của Nga. Theo ông Assad, chính quyền Damascus phải giải phóng mọi vùng lãnh thổ của Syria và để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ Syria đã thương lượng với các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Nhà lãnh đạo Syria cũng bác bỏ thông tin cho rằng quân đội Iran đang hiện diện tại Syria.


Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết, dự án Tuyến đường sắt vận tải khối lượng lớn số 3 (MRT3) có chi phí từ 40 - 45 tỷ ringgit (10 - 11,3 tỷ USD) sẽ không được tiếp tục. Trước đó, ngày 28-5, Thủ tướng Mahathir tuyên bố hủy bỏ dự án xây dựng 350km tuyến đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Kuala Lumpur với nước láng giềng Singapore, được ký kết hồi cuối năm 2016 dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak nhằm giảm gánh nợ quốc gia, hiện ở mức 1.087 tỷ ringgit, tương đương 80,3% GDP. Thủ tướng Malaysia cho biết đang xem xét siêu dự án đường sắt dài 600km dọc sườn biển phía Đông do Trung Quốc xây với chi phí dự kiến 55 tỷ ringgit.


Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, nền kinh tế nước này sẽ có bước chuyển lớn nếu quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên cải thiện và hòa bình được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 31-5, phát biểu trong cuộc họp tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc có sự tham dự của 80 quan chức đứng đầu các bộ và ủy ban, cũng như lãnh đạo đảng cầm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, nền kinh tế nước này sẽ có bước chuyển lớn nếu quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên cải thiện và hòa bình được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, Seoul cần đánh giá lại vai trò của chi tiêu tài chính đối với việc hỗ trợ lộ trình kinh tế mới trên bán đảo Triều Tiên, để chuẩn bị cho việc khôi phục hợp tác kinh tế giữa hai miền.


Trong đó những đối tác tham dự có cả Việt Nam, lần đầu tiên được mời tham gia cuộc tận trận hải quân lớn nhất thế giới này. Diễn ra từ 27/6 đến 2/08, tại vùng biển xung quanh Hawai, cuộc tập trận RIMPAC năm nay sẽ quy tụ hải quân của 26 quốc gia, huy động 47 chiến hạm, 5 tàu ngầm, 18 lực lượng đổ bộ, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ. Theo hải quân Mỹ, có bốn nước là Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel sẽ lần đầu tiên tham gia RIMPAC 2018.


Một báo cáo được Tổ chức Save the Children (Anh) công bố hôm 30/5 cho thấy hơn 1/2 trẻ em trên thế giới đang chịu sự đe dọa của nghèo đói, xung đột và phân biệt giới tính. Trong báo cáo được đưa ra nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), hơn 1,2 tỉ trẻ em đối mặt từ ít nhất một trong 3 mối đe dọa trên. Ngoài ra, có đến 153 triệu trẻ đương đầu với cả 3 vấn đề cùng lúc. Theo thống kê của Save the Children, khoảng 1 tỉ trẻ em sống ở các quốc gia đang chìm trong cảnh nghèo đói, 240 triệu trẻ sống tại những đất nước bị ảnh hưởng bởi xung đột và 575 triệu bé gái lớn lên tại những quốc gia đầy rẫy tình trạng trọng nam khinh nữ. Báo cáo cũng cảnh báo nguy cơ những trẻ em trên bị tước đi tuổi thơ và tiềm năng phát triển trong tương lai.


Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit S. Sajjan sẽ có chuyến thăm làm việc tại Singapore, Việt Nam và Bỉ từ 1-8/6. Theo lịch trình, ông Sajjan sẽ thăm Singapore từ 1-3/6 để dự Đối thoại Shangri-La, sau đó thăm Việt Nam trong ngày 4-5/6. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Canada. Dự kiến, ông Sajjan sẽ có các cuộc gặp với một số quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao của nước chủ nhà. Ông Sajjan sẽ tới Bỉ vào ngày 7-8/6 để dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO và Hội nghị cấp bộ trưởng về chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.


Lực lượng an ninh Pháp ngày 30/5 di chuyển khu lều trại của người di cư lớn nhất tại thủ đô Paris, nơi có khoảng 1.700 người sống trong các lều tạm dọc theo kênh đào St Martin. Người di cư sẽ chuyển đến tạm trú tại hơn 20 địa điểm trên khắp Paris trong khi chính quyền kiểm tra danh tính của họ. Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai trong suốt quá trình di chuyển.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG