THẾ GIỚI 24H: IS tái phát triển ở châu Âu, Trung Á và Nga

THẾ GIỚI 24H: IS tái phát triển ở châu Âu, Trung Á và Nga
TPO - Phó Chủ tịch Ủy ban điều hành của RATS - Cơ quan Chống khủng bố của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ông Dzhumakhon Giyesov ngày 3/9 cho biết tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đang đào tạo và tái triển khai các nhóm phá hoại và khủng bố đến châu Âu, Trung Á và Nga. 

Các cấu trúc đặc biệt do IS thành lập đang tuyển mộ, huấn luyện và tái triển khai các nhóm phá hoại và khủng bố đến châu Âu, khu vực Trung Á, Đông Nam Á và Nga". Phát biểu tại một hội nghị quốc tế về những nỗ lực chống việc cung cấp vũ khí bất hợp pháp trong bối cảnh của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, ông Giyesov nêu rõ: "Việc truy quét thành công các hang ổ của IS tại Syria đã buộc tàn quân IS tái triển khai và buộc các thủ lĩnh của chúng xây dựng các chi nhánh ở nước ngoài. 


Hàn Quốc hy vọng cuộc hội đàm thượng đỉnh sắp tới sẽ thúc đẩy tiến trình đối thoại phi hạt nhân hóa đang gặp trục trặc giữa Triều Tiên và Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bổ nhiệm Cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong làm trưởng phái đoàn cấp cao sang CHDCND Triều Tiên vào ngày 5.9 nhằm thảo luận công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lần thứ ba giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.


Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman hôm 3/9 cho hay, nước này có thể sẽ tấn công các cơ sở quân sự của Iran tại Iraq giống như những gì Tev Aviv từng làm tại Syria. Tuần trước, hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin giấu tên từ Iran, Iraq và phương Tây cho hay Iran đã vận chuyển tên lửa đạn đạo tầm ngắn tới cho các đồng minh Shiite ở Iraq trong vài tháng trở lại đây. Tuy nhiên, Tehran và Baghdad đã chính thức phủ nhận thông tin trên.


Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vừa khẳng định, các phiến quân khủng bố phải được quét sạch ở tỉnh Idlib của Syria, điều nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của Iran trong cuộc tấn công mà quân đội Syria đang chuẩn bị thực hiện nhằm vào khu vực này. “Tất cả lãnh thổ Syria phải được giành lại và tái thiết để người dân có thể quay trở lại sinh sống. Những kẻ khủng bố còn lại ở tỉnh Idlib cần phải bị tiêu diệt và khu vực này sẽ được kiểm soát bởi nhân dân Syria”, Ngoại trưởng Zarif cho biết khi có chuyến thăm Syria vào hôm 3-9. Tổng thống Iran Hassan Rouhani có kế hoạch gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Iran vào hôm 7-9 để thảo luận về cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân còn lại ở Syria.


Moscow cho rằng hành động này cho thấy Washington muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Phát biểu trước truyền thông hôm 3/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong những năm gần đây, Mỹ đã cố gắng tuyển dụng công dân Nga làm điệp viên cho Washington, bằng cách gây áp lực lên những người này. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ New York Times đăng tải một bài báo, nói rằng các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã tìm cách chiêu mộ nhà tài phiệt Oleg Deripaska trong khoảng thời gian từ năm 2014-2016, tuy nhiên không thành công.


Theo truyền thông Nhật Bản, chính phủ nước này sẽ ngừng cho phép nhập khẩu dầu mỏ từ Iran dưới những áp lực cương quyết của Mỹ. Từ tháng 10, công ty JXTG Nippon Oil & Energy, Showa Shell Sekiyu và Fuji Oil sẽ bắt đầu thay đổi nhà cung cấp phần lớn lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Iran sang Saudi Arabia và một vài quốc gia khác. Trong cuộc họp tại Washington vào tháng 8, các nhà ngoại giao Nhật Bản đã bày tỏ sự quan ngại an ninh khi tham gia vào lệnh trừng phạt với Iran, tuy nhiên, điều này không thuyết phục được phía Mỹ.


Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Ilnitsky cho biết Nga sẽ dành 2/3, tức 70% ngân sách quân sự cho việc phát triển và mua vũ khí. Hãng tin Sputnik dẫn lời ông Ilnitsky cho biết, ngân sách quân sự của Nga hiện nay đứng thứ 6 trên thế giới. Vị trí đầu tiên thuộc về Mỹ. Theo ông Ilnitsky, ngân sách quân sự của Mỹ lớn hơn tổng số ngân sách quốc phòng của các nước trên thế giới.


Theo thông báo từ chiến dịch quân sự của NATO tại Afghanistan, một binh lính Mỹ đã bị thiệt mạng và một người khác bị thương trong một vụ “tấn công nội bộ” ở miền đông nước này. Người lính trên không được tiết lộ danh tính nhưng là quân nhân thứ 6 của Mỹ bị thiệt mạng tại Afghanistan trong năm 2018. Một vụ việc tương tự đã xảy ra 2 tháng trước khi thành viên một đơn vị huấn luyện của Mỹ bị bắn chết bởi một lính Afghanistan ở tỉnh Uruzgan.


Ngày 3/9, Đảng Lao động Brazil (PT) thông báo, cựu Tổng thống nước này Luiz Inacio Lula da Silva sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao và Liên hợp quốc sau khi Tòa án Bầu cử Cao cấp (TSE) ra phán quyết cấm nhà lãnh đạo cánh tả này ra tranh cử Tổng thống. Thông tin trên được ứng cử viên Phó Tổng thống của PT Fernando Haddad công bố sau cuộc họp với ông Lula tại nhà tù nơi cựu Tổng thống đang chấp hành án 12 năm tù giam. Ông Haddad nhấn mạnh, ông Lula sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm rằng nhân dân có thể tự do lựa chọn vị Tổng thống của mình.


Trang tin Bloomberg ngày 3-9 cho biết, 2 phóng viên của hãng tin Reuters đã bị toà án tại Myanmar kết án 7 năm tù về tội danh vi phạm đạo luật về bí mật nhà nước. Hai phóng viên Wa Lone, 32 tuổi và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi đã bị thẩm phán quận Bắc Yangon Ye Lwin tuyên án 7 năm tù dành cho mỗi người, vì vi phạm khoản 3.1.c của Đạo luật Bí mật Chính thức khi họ thu thập và cất giữ các tài liệu mật. Thời gian thụ án của 2 bị cáo được tính từ ngày 12-12-2017 khi họ bị bắt.


Ngày 3/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các cuộc đàm phán với Washington nhằm chấm dứt quá trình dài thương lượng về việc nhập khẩu thịt bò Mỹ, trong nỗ lực tránh một cuộc chiến thương mại với chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất đồng ý tăng hạn ngạch nhập khẩu đối với thịt bò không chứa hormone của Mỹ. Tuy nhiên, EC đã không bày tỏ bất kỳ ý định nào về việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với thịt bò có chứa hormone - một hạn chế mà Washington xem là vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ủy ban cho biết đã yêu cầu các nước thành viên EU đàm phán với Mỹ về "hạn ngạch nhập khẩu thịt bò không chứa hormone hiện nay".

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG