THẾ GIỚI 24H: Lầu Năm Góc cung cấp 20.000 chỗ trú cho trẻ di cư

Người di cư ở Tijuana, Mexico ngày 27-4-2018. Ảnh: AP
Người di cư ở Tijuana, Mexico ngày 27-4-2018. Ảnh: AP
TPO - Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Jamie Davis cho biết Lầu Năm Góc sẽ cung cấp nơi tạm trú trong các căn cứ quân sự cho khoảng 20.000 trẻ di cư không có người đi cùng bị bắt giữ sau khi vượt biên giới Mỹ - Mexico trái phép.
Dự kiến, nơi tạm trú này sẽ được duy trì ít nhất cho đến cuối năm nay. Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ không đóng vai trò điều hành nơi tạm trú này, mà sẽ do HHS kiểm soát. Quyết định này nhằm đáp ứng đề nghị của Bộ Y tế và Phúc lợi Mỹ (HHS). Trong diễn biến liên quan, Hạ viện Mỹ đã không thông qua dự luật di trú bảo thủ mới do Tổng thống Donald Trump ủng hộ với tỷ lệ 231 phiếu thuận và 193 phiếu chống. Theo dự luật di trú bảo thủ, những người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ, hay còn gọi là “Dreamer” (những người mộng mơ) sẽ không được cấp quyền công dân. Ngoài ra, dự luật này sẽ hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp và củng cố an ninh biên giới thông qua việc tài trợ xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Các đặc phái viên cấp cao về Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/6 đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận các triển vọng hòa bình giữa Israel và Palestine. Các quan chức Mỹ trước đó đã có các cuộc gặp riêng rẽ với lãnh đạo một số nước Arab. Theo Nhà Trắng, nội dung thảo luận tập trung về viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza, nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình bạo lực chống Israel của người dân Palestine kể từ cuối tháng 3. Ít nhất 128 người dân Palestine đã bị thiệt mạng do quân đội Israel. Hai bên cũng thảo luận cam kết của chính quyền ông Trump và Israel tiếp tục thúc đẩy hòa bình giữa người dân Israel và Palestine. Phía Mỹ cho biết sẽ sớm công bố một kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine.


Hôm qua (22-6), Reuters dẫn lại truyền thông Trung Quốc (TQ) nói rằng chủ nghĩa bảo hộ đang làm Mỹ tự tổn thương và sự “ảo tưởng” của Mỹ không khiến TQ sao lãng trong việc tiếp tục con đường hiện đại hóa của mình. Bộ Thương mại TQ hôm 21-6 đã lên tiếng cáo buộc Mỹ đã gây bất ổn vấn đề thương mại, đồng thời cảnh báo rằng lợi ích của công nhân và nông dân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Tờ nhật báo TQ trong bài xã luận mới đây nói rằng Mỹ đã không hiểu rằng việc làm ăn với TQ liên quan đến hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ và cách tiếp cận của Mỹ hiện nay là tự làm hại chính mình.


Theo Reuters, cảnh sát Anh ngày 22-6 cho biết, hành khách ở ga tàu Charing Cross của London đã được sơ tán sau khi nhận được tin một người ở khu vực này tuyên bố mang theo một quả bom. Trên trang mạng xã hội Twitter, cảnh sát giao thông Anh nêu rõ: “Nhà ga này đã được sơ tán như một biện pháp đề phòng”. Vụ việc đã buộc nhà chức trách đóng cửa nhà ga cho dù đang trong giờ cao điểm sáng. Cảnh sát đã kiểm tra hiện trường, sau đó bắt người đàn ông tung ra lời đe dọa trên. Không có ai bị thương trong vụ này.


Ngày 22-6, kết thúc phiên họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại Viennna (Áo), Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khaled al-Faleh  xác nhận các bên đã nhất trí với nâng sản lượng lên 1 triệu thùng dầu/ ngày. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng dầu này trên thực tế sẽ thấp hơn do hoạt động sản xuất dầu sa sút tại một số nước trong thời gian gần đây, trong lúc các nước sản xuất khác lại không được phép bù đắp vào phần thiếu hụt đó.


Một tòa án ở thủ đô Jakarta - Indonesia ngày 22-6 đã kết án tử hình giáo sĩ cực đoan Aman Abdurrahman, 46 tuổi, vì tội lên kế hoạch và xúi giục người khác khủng bố ở Indonesia. Abdurrahman là thủ lĩnh tinh thần của mạng lưới khủng bố địa phương Jemaah Ansharut Daulah (JAD), có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Y cũng được xem là thủ lĩnh trên thực tế của mọi phần tử ủng hộ IS ở Indonesia. Thẩm phán Akhmad Jaini nói tên này được nhiều người biết đến sau khi phát tán ý thức hệ bạo lực từ năm 2003.


Ngày 22/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế 20% đối với ô tô nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sau khi các biện pháp đánh thuế trả đũa của EU đối với hàng chục sản phẩm của Mỹ bắt đầu có hiệu lực cùng ngày. Tổng thống Trump cho biết, dựa trên thuế quan và rào cản thương mại mà EU từ lâu đã áp đặt với Mỹ, nước này sẽ áp thuế 20% đối với toàn bộ ô tô nhập khẩu từ EU nếu các thuế quan và rào cản thương mại này không sớm được dỡ bỏ. Hiện Mỹ áp thuế 2,5% đối với ô tô chở khách nhập khẩu từ EU và mức thuế 25% đối với xe bán tải nhập khẩu. Trong khi đó EU áp thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ.


Nga cho rằng Mỹ và các đồng minh đã dựa vào bằng chứng bịa đặt để cáo buộc Chính phủ Syria tiến hành những vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường. Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/6 đều cáo buộc rằng Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) đã không điều tra một cách khách quan những vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí khóa học và cho rằng tổ chức này bị chi phối về chính trị. Thiếu tướng Igor Kirillov, người đứng đầu đơn vị phòng vệ sinh học, hóa học và phóng xạ thuộc quân đội Nga cho rằng các nhà điều tra của OPCW đã không tới thăm các khu vực bị cho là sử dụng chất độc sarin và khí clo, mà dựa vào bằng chứng "giả" do các nhà hoạt động đưa ra.


Ngày 22/6, Mỹ  tiếp tục thách thức hệ thống thương mại toàn cầu với việc thông báo với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) rằng các phán quyết phúc thẩm trong các vụ tranh chấp thương mại có thể bị phủ quyết nếu quá 90 ngày cho phép. Tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại WTO, Dennis Shea được cho là lời đe dọa vô hiệu hóa 1 yếu tố thực thi thương mại của WTO đó là cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc vốn được coi là một biện pháp chống chủ nghĩa bảo hộ. Tại cuộc họp ngày 22/6, Mỹ tiếp tục phản đối việc chỉ định các thẩm phán, đồng thời cho biết sẽ phủ quyết việc tái chỉ định một thẩm phán trong Cơ quan phúc thẩm.

Các đoàn đại biểu từ Hàn Quốc và Triều Tiên đã gặp nhau hôm qua để bàn chuyện tổ chức cho các gia đình bị chia cắt do chiến tranh Triều Tiên gặp gỡ, với sự phối hợp của Hội Chữ thập đỏ. Đây là nỗ lực nằm trong những cam kết giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon jae-in về việc cải thiện quan hệ hai miền Triều Tiên, vốn bị hủy hoại sau thời gian CHDCND Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân và tên lửa. Cuộc gặp giữa đôi bên hôm qua được tổ chức tại một khách sạn thuộc khu du lịch Núi Kumgang (Triều Tiên), sau sự kiện hồi tháng Tư, khi hai miền Triều Tiên thống nhất tổ chức một buổi tái hợp vào ngày lễ chung của cả hai miền trong tháng Tám tới.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG