THẾ GIỚI 24H: Palau bắt tàu Trung Quốc nghi khai thác hải sâm trái phép

Tàu cá Trung Quốc bị chính quyền Palau bắt giữ ở rạn san hô Helen. Ảnh: Richard Brooks.
Tàu cá Trung Quốc bị chính quyền Palau bắt giữ ở rạn san hô Helen. Ảnh: Richard Brooks.
TPO - Giới chức Palau bắt một tàu cá Trung Quốc cùng 28 thủy thủ vì nghi họ đánh bắt hải sâm bất hợp pháp. Đoàn người đang được cách ly để ngăn chặn Covid-19 lây lan.

Một tàu tuần tra Palau đã phát hiện và bắt tàu cá Trung Quốc trong khu vực rạn san hô Helen, thuộc lãnh hải Palau. Tàu Trung Quốc bị dẫn về đến đảo chính Koror, theo Guardian. Victor Remengesau, một quan chức về thực thi luật biển của Palau, cho biết tàu Trung Quốc chở một lượng lớn số lượng hải sâm, ước tính khoảng 500 pound (226kg). Ông Remengesau nói các ngư dân Trung Quốc và 19 sĩ quan trên tàu tuần tra tiếp xúc với họ sẽ phải cách ly 14 ngày ở Palau. Hiện Palau là một trong số rất ít quốc gia không ghi nhận ca mắc Covid-19.


Ngày 15/12, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã lựa chọn cựu Thị trưởng thành phố South Bend (bang Indiana) Pete Buttigieg làm Bộ trưởng Giao thông vận tải trong chính quyền mới. Ông Buttigieg là một trong những ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 của đảng Dân chủ đầu tiên tán thành ông Biden sau cuộc bầu cử sơ bộ ở bang South Carolina. Theo truyền thông Mỹ, ông Buttigieg có thể thu được nhiều kinh nghiệm cần thiết trong vai trò Bộ trưởng Giao thông vận tải trong chính quyền mới vì nhiều người tin rằng chính trị gia 38 tuổi này sẽ tái tranh cử tổng thống Mỹ.


Nhà Trắng ngày 15/12 tiếp tục không thừa nhận ông Trump thất cử mặc dù lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell đã chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany ngày 15/12 đã gặp gỡ các phóng viên trong một cuộc họp báo sau khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.


Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany ngày 15/12 cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ khuyến khích người dân Mỹ tiêm vắcxin ngừa COVID-19, đồng thời khẳng định bản thân Tổng thống Trump cũng sẽ tiêm vắcxin ngay khi đội ngũ y tế của ông xác định thời gian tốt nhất để thực hiệnPhát biểu trước các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, bà McEnany nêu rõ Tổng thống Trump mong muốn những người Mỹ dễ bị tổn thương là các đối tượng ưu tiên hàng đầu được tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Ngoài ra, bà McEnany còn xác nhận một số nhân viên an ninh quốc gia Mỹ sẽ được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 để đảm bảo duy trì hoạt động của chính phủ.


Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 73.719.408 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.639.362 ca tử vongSố bệnh nhân bình phục đã lên tới 51.748.695 người, 20.331.533 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.420 ca nguy kịch. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (151.511 ca), Brazil (40.625 ca) và Nga (26.689 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.112 ca), tiếp theo là Brazil (854 ca) và Italy (846 ca).


Ngày 15/12, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết nước này đã triển khai chiến dịch tiêm vắcxin COVID-19 trên toàn quốc, sử dụng vắcxin Gam-COVID-Vac (tên thương mại là Sputnik V). Theo ông Murashko, giới chức Nga đã kiểm tra kỹ lưỡng mạng lưới vận chuyển để đảm bảo vắcxin được phân phối an toàn. Hiện tất cả các vùng trên toàn quốc đều đã nhận được vắcxin để triển khai việc tiêm chủngBộ trưởng Murashko cũng cho biết, Nga có thể sẽ cấp phép lưu hành cho loại vắcxin COVID-19 thứ hai trong tuần này.


Ngày 15/12, Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này quyết định mua máy bay trực thăng MH-60R Seahawk do công ty Sikorsky của Mỹ chế tạo. Hợp đồng trị giá 960 tỷ won (khoảng 878 triệu USD) để mua trực thăng nhằm tăng cường năng lực của Hải quân Hàn Quốc trong việc phát hiện và đối phó với các tàu và tàu ngầm của đối phương. Dự kiến, 12 trực thăng MH-60R Seahawk sẽ được bàn giao cho Hàn Quốc trước năm 2025 theo từng giai đoạn.


Truyền thông Trung Đông hôm 15/12 đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ nhiệm ông Ufuk Ulutas làm Đại sứ mới tại Israel sau hai năm vị trí này bị bỏ trống. Động thái được xem là một phần trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sau nhiều năm căng thẳng, đồng thời cũng là bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ làm hài lòng chính quyền Mỹ mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang căng thẳng trong nhiều vấn đề, ngày 15/12, New Zealand đã đề nghị được làm trung gian hòa giải giữa hai đối tác quan trọng của nước này. Ngày 15/12, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta cho biết, việc nước này là chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2021 sẽ là cơ hội tốt để New Zealand kêu gọi Trung Quốc và Australia quay trở lại đối thoại.

MỚI - NÓNG