THẾ GIỚI 24H: Tàu chiến Mỹ tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa

Tuần dương hạm USS Bunker Hill. Ảnh: Reuters
Tuần dương hạm USS Bunker Hill. Ảnh: Reuters
TPO - Tàu chiến Mỹ hôm 28/4 thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở sát khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 28/4, tàu khu trục do tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill (CG52) của Mỹ đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Đài truyền hình CGTN của Trung Quốc cùng ngày dẫn lời Phát ngôn viên Chiến khu miền Nam Trung Quốc Lý Hoa Mẫn nói lực lượng này đang theo dõi một tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa.


Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/4 cho biết, đã có ít nhất 40 người dân thiệt mạng khi 1 quả bom phát nổ trên tàu chở dầu ở thành phố Afrin, phía Bắc Syria. Vụ nổ này xảy ra tại một khu vực dân cư đông đúc ở trung tâm thành phố Afrin. Video do cơ quan này chia sẻ cho thấy, tại khu vực hiện trường, khói đen và bụi cuồn cuộn bốc lên sau vụ nổ, trong khi xe cứu thương và còi báo động của cảnh sát liên tục rền rĩ ở phía sau. Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng dân quân người Kurd - YPG đứng sau vụ tấn công này.


Ngày 28/4, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul cho biết truyền thông Triều Tiên vẫn thường xuyên đưa tin về các hoạt động của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dấu hiệu cho thấy ông vẫn đang giải quyết các vấn đề quốc gia một cách bình thường. Cũng theo Bộ trưởng Kim Yeon-chul, truyền thông Triều Tiên vẫn thường xuyên cập nhật về các kế hoạch của ông Kim Jong-un mặc dù nhà lãnh đạo này đã không xuất hiện trước công chúng trong khoảng hai tuần từ khi tham dự hội nghị của Bộ Chính trị Đảng Lao động cầm quyền hôm 11/4.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 28/4 tuyên bố Moskva không chấp thuận động thái giành quyền điều hành đất nước của Tướng Khalifa Haftar, Chỉ huy quân đội miền Đông Libya. Ông Lavrov nhấn mạnh: "Tôi sẽ không nói ở đây về bất kỳ đòn bẩy nào mà Nga có. Chúng tôi liên lạc với tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Libya, không có ngoại lệ." Trước đó trong cùng ngày, Điện Kremlin cho hay Nga vẫn duy trì cam kết tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột tại Libya thông qua đối thoại chính trị và ngoại giao.


Ngày 28/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã chỉ thị gia hạn thêm 3 tháng lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài lâu nay với lý do lo ngại về an ninh và sức khỏe của người dân. Trong một sắc lệnh của Tổng thống đăng trên công báo, ông Abdel Fattah al-Sisi nêu rõ: “Trong bối cảnh tình hình y tế và an ninh nghiêm trọng, chính phủ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 28/4”. Bộ Y tế cho biết đến nay, nước này ghi nhận 4.782 ca mắc, trong đó có 337 ca tử vong và 1.236 ca bình phục.


Bắc Kinh chỉ trích quyết định ngừng sử dụng các bộ dụng cụ xét nghiệm xuất xứ từ Trung Quốc của Ấn Độ, cho rằng đây là hành động vô trách nhiệm. Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) hôm 27/4 cho biết, họ đang lên kế hoạch trả lại các bộ dụng cụ xét nghiệm kháng thể đặt mua từ Trung Quốc vì "độ chính xác kém". "Thật không công bằng và vô trách nhiệm khi cho rằng các sản phẩm của Trung Quốc có lỗi và xem xét các vấn đề này với ý định ngay từ đầu", Phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đáp trả. Ấn Độ hồi đầu tháng đặt hàng hơn 500.000 bộ dụng cụ xét nghiệm kháng thể của Trung Quốc để tăng cường sàng lọc các ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, các bang ở Ấn Độ sau khi sử dụng các bộ kit này cho ra kết quả mâu thuẫn. Phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc sau đó giải thích rằng, các xét nghiệm cần phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp để tạo ra kết quả chính xác.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 28/4 đã cảnh báo rằng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra có thể bùng phát và tác động tới các vùng xung đột ở Trung Đông. Giám đốc khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO Ahmed al-Mandhari cho rằng “cuộc chiến này đã trở nên thách thức hơn với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 ở nhiều nước như Syria, Libya và Yemen”. Theo ông al-Mandhari, nhiều năm hỗn loạn và xung đột đã hủy hoại cơ sở hạ tầng y tế ở những nước này, khiến những người dân vốn đã chịu nhiều tổn thương dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm khi họ phải đương đầu với những khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.


Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.133.100, trong đó có 217.389 người tử vong. Đại dịch đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Các nước cũng ghi nhận 950.863 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 56.542 người trong tình trạng nguy kịch và 1.960.098 đang phải điều trị tích cực. Trong vòng 1 ngày qua, Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận nhiều trường hợp tử vong và mắc bệnh nhất thế giới.

MỚI - NÓNG