THẾ GIỚI 24H: Triều Tiên tiếp tục sản xuất nguyên liệu hạt nhân

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Tư lệnh Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK), Tướng Vincent Brooks, ngày 22-7 cho biết Mỹ chưa nhận thấy Triều Tiên “ngừng hoàn toàn” sản xuất nguyên liệu hạt nhân.

 Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen ở bang Colorado (Mỹ), Tướng Brooks cho rằng: “Khả năng sản xuất nguyên liệu hạt nhân của Triều Tiên vẫn không thay đổi. Khả năng thử nghiệm của họ đã được kiểm chứng khi bị ảnh hưởng trong vụ phá hủy bãi thử Punggye-ri vài tháng trước, song hoạt động sản xuất lại là một vấn đề khác”. Tư lệnh USFK cũng nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều bước phải thực hiện trên lộ trình phi hạt nhân hóa.


Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 22/7 tuyên bố cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thực tế đã bắt đầu. Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của Bộ trưởng Le Maire tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cho biết: "Tất cả mọi quốc gia nhóm G20 đều hiểu rằng chiến tranh thương mại là một thực tế và có nguy cơ lan ra toàn cầu." Theo hãng tin Europa Press, Bộ trưởng Le Maire lưu ý rằng Mỹ cần thực hiện động thái đối thoại đầu tiên, nếu thiếu động thái đó thì Ủy ban châu Âu không thể xây dựng các đề xuất của mình. Europa Press dẫn lời ông Le Maire nêu rõ: "Tôi yêu cầu Mỹ cần quay về với ý thức chung, tôn trọng các quy tắc toàn cầu và các đồng minh của mình".


Đại sứ Iraq tại Nga Haidar Mansour al-Hadi mới đây cho biết, Iraq đang rất cần sự giúp đỡ của quốc tế trong việc khôi phục các di sản văn hóa từng bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy trước đây. Đại sứ al-Hadi hy vọng các chuyên gia của Nga sẽ tham gia vào quá trình hỗ trợ này. Tại Iraq, một số di sản nổi tiếng đã bị phá hủy như thành cổ Assyrian, Khu đền cổ Hatra, mộ nhà tiên tri Jonah, đền thờ al-Nuri...


Mười một tài xế taxi đã bị bắn chết tối 21/7 khi đang trên đường trở về thành phố Johannesburg của Nam Phi sau khi dự một đám tang đồng nghiệp tại thị trấn Ematimatolo cách đó hơn 500km. Cảnh sát Nam Phi cho biết nhóm tài xế này bị các tay súng phục kích trên đường và bắn chết khi đang ngồi trên một chiếc minibus. Ngoài 11 người thiệt mạng, 4 người khác hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Người phát ngôn cảnh sát Nam Phi Vish Naidoo cho biết toàn bộ nạn nhân là thành viên của hiệp hội taxi tỉnh Gauteng, nơi có 2 thành phố lớn là Pretoria và Johannesburg.


Hãng tin Amaq của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho biết nhóm này đã thừa nhận gây ra vụ đánh bom liều chết bất thành ngày 22/7 nhằm vào Phó Tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum ở gần sân bay Kabul. Như vậy, ông Dostum đã trở thành mục tiêu tấn công vào chính ngày ông trở về nước sau hơn 1 năm sống lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Amaq, kẻ đánh bom đã tự phát nổ thân mình tại một buổi lễ đón Phó Tổng thống Dostum, ngoài ra không cho biết thêm chi tiết. Hàng chục quan chức chính phủ cấp cao, các nhà lãnh đạo chính trị và những người ủng hộ đã tập trung tại sân bay để đón nhà lãnh đạo gốc Uzbekistan thiểu số đầy quyền lực này. Vụ nổ xảy ra khi ông Dostum đang rời sân bay.


Ngày 22/7, Đại sứ Iraq tại Nga Haidar Mansour Hadi tuyên bố Baghdad sẽ không bao giờ chấp thuận để Mỹ triển khai các căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ Iraq. Ông Hadi cho hay ông không biết gì về các kế hoạch triển khai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq. Ông nêu rõ: “Tôi không cho rằng điều đó là sự thực vì Mỹ đã rút các lực lượng của họ ra khỏi Iraq vào năm 2011 và họ không có kế hoạch triển khai các căn cứ thường trực ở đây.” Theo ông Hadi, các quân nhân Mỹ đang hiện diện ở nước này chỉ làm công tác cố vấn.


Ngày 22/7, giới chức quân đội chính phủ Syria thông báo chuẩn bị mở cuộc tấn công nhằm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở khu vực biên giới phía Tây Nam nước này, giáp với Jordan và Israel. Với sự hỗ trợ của không quân Nga, quân đội Syria kỳ vọng sẽ giải phóng khu vực biên giới với Jordan và Israel trong vòng 1 tuần. Trong chuyến thăm tới khu vực Đông Deraa, một người phát ngôn quân đội Syria cho biết, lưu vực Yarmouk, do IS kiểm soát sẽ trở thành chiến trường chính của quân đội Syria tới đây. Theo vị quan chức quân đội Syria, sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào giữa chính phủ Syria và tổ chức khủng bố IS, giống như thỏa thuận mà phe đối lập Syria từng đạt được với Chính phủ với sự trung gian của Nga.


Anh và Úc đang thảo luận để triển khai tàu chiến lớn nhất của Anh đến khu vực Thái Bình Dương bên cạnh hải quân Úc. Hai bên đã thảo luận về việc triển khai tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth - chiến hạm lớn nhất của hải quân hoàng gia tới Thái Bình Dương trong bối cảnh hoạt động của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực. Kế hoạch dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020. Một tàu sân bay hoàng gia khác là HMS Sutherland đã tiến hành tập trận với hải quân Úc vào tháng 3 và cũng đã tuần tiễu qua khu vực biển Đông.


Một quan điểm chung về những căng thẳng thương mại do các biện pháp bảo hộ của Mỹ đã được đồng tình bởi đa số bộ trưởng các nước G20 tại Argentina. Cuộc họp lần thứ ba của nhóm bộ trưởng tài chính và quan chức ngân hàng trung ương các nước G20 đã nhóm họp vào hôm qua (22-7) tại Buenos Aires và sẽ diễn ra trong vòng hai ngày. Vào ngày khai mạc, các bộ trưởng đã tập trung vào các rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu và hầu hết đã tập trung thảo luận vào chủ nghĩa bảo hộ. Mỹ gần đây đã áp đặt mức thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đã phản ứng với các biện pháp trả đũa tương tự.


Theo tài liệu mà FBI công bố khuya 21.7 (giờ Mỹ), cựu cố vấn chính sách đối ngoại Carter Page của tỉ phú Donald Trump đã bị người Nga tuyển dụng, để phá hoại và can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Tài liệu này gây ra tranh cãi lớn từ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tập tài liệu 412 trang gồm đề nghị Tòa án giám sát tình báo nước ngoài (FISA) cho phép Cục điều tra liên bang (FBI) nghe lén điện thoại của ông Page, người đã rời khỏi nhóm tranh cử của ông Trump hồi tháng 9.2016.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG