Thi hành án tử 'Trung Quốc Đệ nhất quan tham'

Lại Tiểu Dân trước tòa án Thiên Tân
Lại Tiểu Dân trước tòa án Thiên Tân
TP - Theo Tân Hoa Xã, “được sự chấp thuận của Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Trung cấp số 2 Thiên Tân đã thực hiện tử hình Lại Tiểu Dân, nguyên Bí thư, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Dung do chính phủ quản lý vào sáng ngày 29/1/2021, theo thủ tục pháp lý. 

Ngay khi tin tức được đưa ra, giới truyền thông nhạy bén đã lập tức tổng kết rằng kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (11/2012), Lại Tiểu Dân là quan chức đầu tiên bị hành hình vì tội tham nhũng. Năm 2019, Trương Trung Sinh, cựu Phó thị trưởng Lã Lương, tỉnh Sơn Tây, đã bị Tòa án cấp cao Sơn Tây giữ nguyên án tử hình trong phiên phúc thẩm. Ông ta là quan chức tham nhũng đầu tiên bị kết án tử hình ở Đại lục trong vòng 8 năm.

Nói một cách chính xác, Trương Trung Sinh là quan chức cấp cao đầu tiên của Trung Quốc bị kết án tử hình vì tội kinh tế kể từ sau Đại hội 18, tức là kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Tuy nhiên, Trương Trung Sinh, người bị phát hiện “nhận hối lộ lên tới hàng tỷ nhân dân tệ”, đã bị tuyên án tử hình vào tháng 3/2018; đến tháng 5/2019, Tòa án cao cấp tỉnh Sơn Tây đã bác bỏ đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án tử hình và đệ trình lên Tòa án Nhân dân Tối cao để phê chuẩn, nhưng đến nay bản án vẫn chưa được thi hành.

Thi hành án tử 'Trung Quốc Đệ nhất quan tham' ảnh 1 200 triệu tệ tiền mặt chất đầy các tủ trong nhà Lại Tiểu Dân

Lại Tiểu Dân chưa bao giờ giết ai, ông ta bị tử hình bề ngoài là vì số tiền nhận hối lộ khổng lồ 1 tỷ 788 triệu NDT và lang chạ hàng trăm phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ có 24 ngày kể từ khi án tử hình được đưa ra đến khi thi hành án. Những vụ tử hình thế này rất hiếm ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trên thực tế, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đã đăng các bài bình luận xác nhận rằng việc xử lý Lại Tiểu Dân là dựa trên việc cân nhắc ngăn ngừa “rủi ro tài chính”.

Không giống như CCTV thông báo về vụ thi hành án tử Lại Tiểu Dân, được giải thích là “thể hiện quyết tâm điều hành đảng một cách nghiêm khắc”; bình luận của Tân Hoa Xã nâng tầm chính trị là để “ngăn ngừa và hóa giải các rủi ro tài chính lớn”, nói đây là “Vụ án hối lộ liên quan đến số tiền lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, “Tài chính là cốt lõi của nền kinh tế hiện đại và là huyết mạch của thực thể kinh tế. Tham nhũng trong lĩnh vực tài chính được che giấu, phức tạp và cực kỳ nguy hại. Một khi vấn đề bùng phát, nó có thể gây ra tác động lớn đến nền kinh tế và thậm chí gây nguy hiểm cho sự ổn định xã hội. Vi phạm pháp luật của Lại Tiểu Dân là một trường hợp điển hình của việc đẩy mạnh chống tham nhũng trong lĩnh vực tài chính... là sự đáp trả mạnh mẽ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng của thời đại...”.

Trước khi bị phiên tòa sơ thẩm phán quyết, rõ ràng Lại Tiểu Dân hy vọng sẽ sử dụng việc ăn năn để đổi lấy sự thương hại của chính quyền. Ông ta đã đáp ứng nhóm làm bộ phim chuyên đề chống tham nhũng “Giám sát Quốc gia” và  Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, rất hợp tác và nói những gì được yêu cầu nói. 

Một chi tiết trong phim liên quan đến vụ án Lại Tiểu Dân là ban chuyên án đã phát hiện ra một ngôi nhà Lại Tiểu Dân cất giấu số tiền bị đánh cắp ở một quận ở Bắc Kinh, với nhiều két sắt và hơn 200 triệu tệ tiền mặt được cất giữ. Để tránh bị điều tra, Lại Tiểu Dân yêu cầu kẻ hối lộ đưa tiền mặt. Sau khi nhận tiền, ông ta tự mình lái xe đến ngôi nhà này, tự tay cất vào két sắt rồi lượn xe vài vòng trên đường để ngăn bị theo dõi. Ông ta và một số người thân cận đã nói về ngôi nhà này bằng tiếng lóng, là “siêu thị”...

Trong phim, Lại Tiểu Dân nhớ lại: “Ngành tài chính ngày nào cũng giao dịch tiền bạc, những ông chủ tiếp xúc với tôi có hàng trăm triệu, hàng tỷ, hay hàng chục tỷ. Họ cho tôi ít tiền coi như miếng bánh ... Họ cũng có nhiều nhà, nên cho tôi một cái. Họ nói tôi ủng hộ họ rất nhiều và giúp họ phát triển. Tôi cũng nghĩ là bình thường...hoặc nói chiếc xe này tốt, tôi thích thì tặng, vào thời điểm đó tôi rất mụ mẫm”.

Vậy những ông chủ có hàng chục tỷ đó là ai? Theo luật pháp và quy định hiện hành của Trung Quốc, bất kỳ ai phạm tội đưa hối lộ sẽ bị phạt tù có thời hạn không quá 5 năm và bị phạt tiền; ai tìm kiếm lợi ích không chính đáng thông qua hối lộ, nếu trường hợp nghiêm trọng hoặc gây thiệt hại lớn cho lợi ích quốc gia thì bị phạt tù từ 5 năm đến dưới 10 năm và phạt tiền; nếu trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hoặc lợi ích quốc gia thì bị bị tổn thất đặc biệt nặng nề thì bị phạt tù có thời hạn từ trên 10 năm đến tù chung thân, phạt tiền hoặc tịch thu tài sản.

Cách giải thích đặc biệt của Tòa án tối cao đối với điều khoản này là: nhằm trục lợi bất chính, hành vi hối lộ quan chức nhà nước, gây thiệt hại kinh tế trên 5 triệu nhân dân tệ, cần được xác định là “làm lợi ích quốc gia bị thiệt hại đặc biệt lớn” theo khoản 1 của Điều 390 Bộ luật Hình sự”.

Và bây giờ, sự thật chính về những tội ác của Lại Tiểu Dân được các cơ quan truyền thông Trung Quốc chính thức công bố là: trong số 22 vụ nhận hối lộ, ba vụ tới 200 triệu, 400 triệu và 600 triệu NDT. Ngoài ra có 6 vụ nhận hối lộ với giá trị hơn 40 triệu NDT. Vậy tại sao 9 “ông chủ lớn” đưa hối lộ 200 triệu, 400 triệu, 600 triệu hoặc hơn 40 triệu NDT này lại không được tiết lộ công khai, chứ chưa nói đến việc bị xử lý trước pháp luật? Đó là điều dư luận bàn tán sôi nổi suốt mấy ngày qua.

MỚI - NÓNG