Thời dịch COVID-19, phụ nữ châu Âu tới hiệu thuốc nói mật mã làm gì?

TPO - Chủ nhật, một phụ nữ bước vào một hiệu thuốc ở thành phố Nancy của Pháp, nhưng không mua thuốc chữa bệnh; cô chỉ nói “khẩu trang 19”. Một lát sau, bạn trai của cô bị cảnh sát bắt.
Thời dịch COVID-19, phụ nữ châu Âu tới hiệu thuốc nói mật mã làm gì? ảnh 1

Pháp đưa nạn nhân bạo lực gia đình vào khách sạn lánh nạn trong bối cảnh số vụ gia tăng trong giai đoạn phong tỏa vì dịch COVID-19. Ảnh: Getty.

Đại dịch COVID-19 buộc nhiều nước trên thế giới phải áp dụng những biện pháp chưa từng có để hạn chế sự di chuyển của công dân. Lệnh phong tỏa, cách ly xã hội giúp hạn chế sự lây lan của coronavirus mới.

Tuy nhiên, các nạn nhân bạo lực gia đình bỗng dưng bị mắc kẹt trong nhà với bạn đời cáu gắt, nóng nảy, hơi tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Một số nạn nhân không thể gọi cảnh sát, một số khác thì sợ đến nỗi không dám tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài.

Mật mã ở hiệu thuốc Pháp, Tây Ban Nha

Để giúp các nạn nhân, Tây Ban Nha, Pháp mới đây áp dụng sáng kiến sử dụng các hiệu thuốc làm nơi tiếp nhận trình báo về bạo lực gia đình. Nếu nạn nhân không thể nói thoải mái ở hiệu thuốc, họ chỉ cần nói mật mã “khẩu trang 19” với dược sĩ ở sau quầy.

Người phụ nữ ở thành phố Nancy là người đầu tiên tìm kiếm sự trợ giúp kể từ khi chính phủ áp dụng sáng kiến hồi tuần trước, người phát ngôn của Bộ trưởng Bình đẳng Pháp Marlene Schiappa nói với CNN ngày 2/4.

Khi các biện pháp phong tỏa khắp châu Âu được áp dụng nghiêm ngặt hơn, các tổ chức từ thiện và lực lượng cảnh sát gióng lên hồi chuông báo động về khả năng gia tăng bạo lực gia đình.

Việc phải ở nhà suốt ngày đêm trong thời gian dài cùng với kẻ lạm dụng mình khiến nạn nhân trở nên dễ bị tổn thương hơn vì không có lối thoát. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các sự kiện gây căng thẳng về tinh thần, tình cảm có thể khiến gia tăng hành vi hung hăng ở nhà.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng hành vi hung hăng ở nhà khi khủng hoảng kinh tế bùng phát năm 2008, khi thiên tai quy mô lớn xảy ra, khi các giải bóng đá lớn được tổ chức…

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nói rằng, sau khi biện pháp phong tỏa được áp dụng, số vụ cảnh sát can thiệp các trường hợp bạo lực gia đình ở thủ đô Paris tăng 36%.

Chính phủ Pháp thông báo sẽ chi trả cho 20.000 đêm trong phòng khách sạn cho các nạn nhân bạo lực gia đình và mở các trung tâm tư vấn ở các siêu thị.

Các nước châu Âu khác cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

“Tình trạng bạo lực giới luôn tồn tại nhưng cuộc khủng hoảng này (đại dịch COVID-19) khiến tình hình tồi tệ hơn”, bà Simona Ammerata, người làm việc tại nhà tạm lánh cho phụ nữ Lucha y Siesta ở thủ đô Rome của Italy, nói với CNN.

Một phụ nữ trẻ gần đây liên lạc với Lucha y Siesta nói rằng, bạn trai của cô luôn có xu hướng khống chế và lạm dụng cô trong 4 năm qua, nhưng cách hành xử của anh ta trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trong thời kỳ thành phố bị phong tỏa. “Cô ấy yêu cầu anh ta rời đi nhưng anh ta không muốn thế. Cô ấy nói cô không có nơi nào để đi”, bà Ammerata kể.

Cuộc khủng hoảng y tế công cộng lan rộng ở Italy và chính quyền địa phương buộc phải tập trung nhiều nguồn lực để chống dịch. “Tòa án làm việc chậm hơn bình thường vì phần lớn mọi người làm việc từ nhà. Các văn bản pháp quy bảo vệ phụ nữ không được áp dụng kịp thời”, bà Ammerata nói.

Và vấn đề này không chỉ có ở châu Âu. Ở Australia, chính phủ nói rằng, Google đã ghi nhận sự gia tăng đột biến các tìm kiếm về trợ giúp khi bị bạo lực gia đình. Chính phủ đã đưa ra gói trợ giúp 150 triệu đô la Australia (92 triệu USD) để giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục trong thời COVID-19.

Thời dịch COVID-19, phụ nữ châu Âu tới hiệu thuốc nói mật mã làm gì? ảnh 2 Một hiệu thuốc ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Ảnh: Goodman.

“Giải pháp lặng thầm” ở Anh

Refuge, một tổ chức từ thiện hàng đầu của Anh về phòng chống bạo lực gia đình, nói rằng, một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay là nạn nhân không thể báo cáo về nỗi thống khổ của họ.

“Chúng tôi biết rằng, bình thường, cơ hội cho phụ nữ bị bạo hành, lạm dụng gọi điện thoại và tìm kiếm sự giúp đỡ đã rất nhỏ. Giờ đây, cơ hội đó trở nên nhỏ hơn”, bà Sandra Horley, giám đốc điều hành Refuge, nói.

Refuge đang khuyên phụ nữ sử dụng cuộc gọi khẩn cấp có tên “Silent Solution” (Giải pháp thầm lặng). Cuộc gọi cho phép nạn nhân liên lạc với cảnh sát thông qua điện thoại cảm ứng mà không cần phải nói.

Tổ chức từ thiện này cũng đưa vào hoạt động một chatbot. Đây là một chương trình máy tính tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên theo một giao diện đơn giản, âm thanh hoặc dưới dạng tin nhắn.

Thời dịch COVID-19, phụ nữ châu Âu tới hiệu thuốc nói mật mã làm gì? ảnh 3 Ở Anh, khi gặp tình trạng khẩn cấp mà không nói được, có thể gọi số 999, nghe tổng đài viên hỏi, trả lời bằng cách ho hoặc gõ vào điện thoại, rồi nhấn số 55. Ảnh: OPC.

Đường dây trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình Telefono Rosa ở Italy nói rằng, số cuộc gọi họ nhận được trong 2 tuần đầu tháng Ba giảm 55% vì nhiều phụ nữ rất khó tìm kiếm sự trợ giúp trong giai đoạn phong tỏa. Telefono Rosa nói rằng, nhiều phụ nữ “thì thào để tránh bị bạn đời ở phòng bên cạnh nghe thấy”.

Bà Delphine Beauvais, giám đốc mạng lưới nhà tạm lánh dành cho phụ nữ Rosa ở miền bắc nước Pháp, nói với CNN rằng, số cuộc gọi mà tổ chức này nhận được đang ít đi. “Chúng tôi tin rằng, do hệ quả của việc phải ở nhà, phụ nữ không thể liên lạc với chúng tôi”, bà nói.

Bà Ammerata cũng kể rằng, các nạn nhân thường gọi tới Lucha y Siesta khi ra siêu thị mua thực phẩm hoặc gửi tin nhắn khi đang tắm. Hiện nay, phụ nữ hầu như không có không gian, thời gian thuận lợi để thoát khỏi mối quan hệ tồi tệ mà họ đang mắc vào.

“Trong tình trạng bình thường, việc rời khỏi nhà và rời khỏi kẻ bạo hành, lạm dụng đã là khó. Hiện nay, việc này khó gấp bốn vì bạn không thể tới nhà bạn bè hoặc nhà người thân vì lệnh phong tỏa”, bà Ammerata nói.

Theo số liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 22h ngày 2/4, Pháp có 57.780 người mắc COVID-19 với 4.032 ca tử vong. Các con số tương ứng ở Tây Ban Nha là 110.238 và 10.003, ở Anh là 34.116 và 2.921, ở Italy là 110.574 và 13.155, ở Australia là 5.108 và 19.

Thời dịch COVID-19, phụ nữ châu Âu tới hiệu thuốc nói mật mã làm gì? ảnh 4 Phụ nữ đeo khẩu trang ở thành phố Sydney của Australia ngày 18/3. Ảnh: Loren Elliott.
MỚI - NÓNG