Thượng đỉnh liên Triều: Phép thử với Tổng thống Hàn Quốc

Khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc vào ngày 27/4. Ảnh: Thu Loan.
Khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc vào ngày 27/4. Ảnh: Thu Loan.
TP - Giống như nhiều nhà lãnh đạo Hàn Quốc trước đây, nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jaei-in đang chủ yếu phải dồn vào nước láng giềng phía bắc.

Ông Moon đắc cử sau làn sóng biểu tình phản đối tham nhũng khiến người tiền nhiệm của ông là bà Park Geun-hye đang đối mặt các cáo buộc hình sự và lời hứa cải tổ sâu sắc hệ thống chính trị, kinh tế và tình trạng các tập đoàn gia đình chaebol thống trị xã hội Hàn Quốc. Nhưng dù ông đã đạt được nhiều tiến bộ trong những điểm trên thì sự thành công hay thất bại của ông có thể đến từ việc xử lý quan hệ với Triều Tiên, nhiều nhà phân tích nhận định.

“Không có tổng thống Hàn Quốc nào gần đây phải tập trung nhiều vào nước láng giềng ồn ào như vậy”, CNN dẫn đánh giá của ông Oliver Hotham, chuyên gia của hãng phân tích và nghiên cứu Korea Risk Group (trụ sở tại Seoul). “Ông Moon cũng phải đối mặt một nhà lãnh đạo Mỹ thất thường và khó đoán nhất trong nhiều thập kỷ qua và đã phải xử lý rất nhiều vấn đề ngoại giao liên quan điều này”, ông Hotham nói.

Ngày 27/4, Tổng thống Moon sẽ gặp ông Kim Jong-un, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo hai miền Triều Tiên gặp nhau kể từ năm 2007. Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều được ấn định sau chuyến thăm đầy bất ngờ của ông Kim đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong dịp trả lời phỏng vấn báo chí năm ngoái, ông Moon nói ông muốn được nhớ đến như một nhà lãnh đạo đã “xây dựng quan hệ hòa bình giữa Hàn Quốc và Triều Tiên”. Bước đi đầu tiên của ông rất thành công vì đã khiến Triều Tiên tham gia Olympic Mùa đông ở Pyeongchang, thậm chí hai đội tuyển còn diễu hành dưới chung một ngọn cờ. Nhưng nay mới là phép thử thật sự.

Kỳ vọng thấp

Trong thời gian vận đồng tranh cử, ông Donald Trump đưa ra chính sách được ví như “Chính sách Ánh dương” mà các tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun theo đuổi. Với Chính sách Ánh dương (nhờ đó mà Tổng thống Kim giành giải Nobel Hòa bình năm 2000), Seoul chủ động xích lại Bình Nhưỡng về kinh tế và ngoại giao cũng như cung cấp viện trợ nhân đạo đáng kể. Tuy nhiên, chính sách này không mang lại những thành quả lâu dài, sau đó lại vấp phải cách tiếp cận hung hăng hơn của Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush khi dán nhãn cho Triều Tiên là một phần của “trục ma quỷ” năm 2002. Năm sau đó, Bình Nhưỡng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân và bắt tay phát triển vũ khí hạt nhân một cách quyết liệt.

Trong khi nhất quán theo đuổi cách tiếp cận xích lại gần Triều Tiên, ông Moon cũng ủng hộ chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump là trừng phạt kinh tế và đe dọa tấn công quân sự Triều Tiên. Ông Moon phê chuẩn kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc vào năm ngoái, bất chấp sự phản đối ở địa phương và cả những người ủng hộ ông vì cho rằng đây là sự khiêu khích không cần thiết. “Ông Moon đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ và tìm kiếm những bước đi nhỏ nhưng thực chất để giảm căng thẳng, nhưng không trông đợi việc thay đổi một cách đơn giản hành vi của Triều Tiên thông qua việc xích lại gần”, ông Rodger Baker, nhà phân tích tại hãng phân tích tình báo toàn cầu Stratfor, đánh giá. “Mong muốn của ông ấy là làm giảm bớt cảm giác chiến tranh sắp xảy ra đến nơi để đổi lấy việc hai bên xích lại gần nhau, một mục tiêu khiêm tốn hơn nhiều”, ông
Baker nói.

Ở trong nước, ông Moon vẫn được lòng dân, với tỷ lệ ủng hộ đang ở mức khoảng 70%, theo kết quả thăm dò gần đây do tổ chức Gallup Korea thực hiện. Nhà nghiên cứu Hotham cho rằng, ông Moon đang đặt cược rất nhiều vào cách tiếp cận qua con đường ngoại giao của mình đối với Triều Tiên. “Cho đến nay, biện pháp đó đã có tác dụng, nhưng nếu thất bại, chúng ta sẽ lại chứng kiến căng thẳng trỗi dậy trên bán đảo và ông ấy sẽ bị tổn thất nghiêm trọng”, ông Hotham nói.

Tuy nhiên, nhà phân tích Anwita Basu, công tác tại hãng tư vấn và dự báo Economist Intelligence Unit (thuộc tập đoàn Economist Group tại Anh), đánh giá rằng, hầu hết người Hàn Quốc không mấy kỳ vọng sẽ có tiến triển với Triều Tiên, nên uy tín của ông Moon sẽ không phụ thuộc vào kết quả các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng. Nhà nghiên cứu Baker đồng ý rằng ông Moon không phải đặt một ván cược lớn nếu đàm phán với Triều Tiên thất bại, nhưng sẽ bị các đảng đối lập tấn công vì họ vốn đã phản đối rất mạnh hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Thách thức thực sự của ông Moon cũng là chương trình hành động trong nước đầy tham vọng, đặc biệt là nỗ lực sửa đổi hiến pháp Hàn Quốc để cho phép tổng thống có thể đảm trách 2 nhiệm kỳ 5 năm thay vì 1 nhiệm kỳ như hiện nay.

Dù nguy cơ đàm phán thất bại với Triều Tiên không làm tổn hại đến Tổng thống Moon về dài hạn nhưng có thể sẽ làm lệch hướng các kế hoạch của ông, đặc biệt nếu đảng Dân chủ của ông thua trong các cuộc bầu cử thống đốc và bầu cử ở địa phương cuối năm nay. 

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG