Thượng đỉnh Nga - Mỹ sẽ không có đột phá?

Sau cuộc gặp trong thời gian dự APEC tại Việt Nam, ông Trump và ông Putin sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Reuters
Sau cuộc gặp trong thời gian dự APEC tại Việt Nam, ông Trump và ông Putin sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Helsinki, Phần Lan. Ảnh: Reuters
TPO - Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một thỏa thuận hiếm hoi giữa các đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ để đảm bảo có một cuộc họp suôn sẻ. 

Ngày 12/7, trong khi ông Trump tỏ thái độ mềm mỏng với Putin, gọi ông là đối thủ, chứ không phải kẻ thù, thì các nghị sỹ của cả hai đảng đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn đối với ông Trump trước khi ông và nhà lãnh đạo Nga ngồi với nhau tại Helsinki vào thứ Hai tới.

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain nói: "Putin không phải là bạn của Mỹ, cũng không phải là đối thủ. Putin là kẻ thù của Mỹ, không phải vì chúng ta muốn như vậy, mà vì ông ấy đã chọn như thế".

Ông McCain cho biết thêm: "Điều này tùy thuộc vào Tổng thống Trump có buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình tại cuộc họp ở Helsinki. Nếu không làm được như vậy sẽ là một tội nghiêm trọng về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên thế giới".

Thế nhưng, ông Trump đã coi hội nghị thượng đỉnh này là một cơ hội để giảm bớt căng thẳng vốn đã châm ngòi từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ tay Ukraine năm 2014, rồi việc Nga hậu thuẫn quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Các nghị sỹ Mỹ muốn ông Trump, cả riêng tư lẫn công khai,  chỉ trích các hành động của ông Putin.

Quốc hội Mỹ đã đưa ra lập trường cứng rắn chống Nga. Họ gần như giấu mặt ủng hộ lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Moscow hồi năm ngoái. Tuy nhiên, các nghị sỹ Mỹ lo ngại ông Trump sẽ không đề cập một số vấn đề với ông Putin, đặc biệt trong vấn đề Nga can thiệp bầu cử, điều mà ông Putin luôn phủ nhận.

Ngày 12/7, thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Mark Warner và nghị sỹ đảng Cộng hòa Marco Rubio đều cho rằng, mục đích của họ là muốn cho cộng đồng các quốc gia dân chủ thấy rằng, Mỹ không có ý định ủng hộ các hành động hiếu chiến của Nga.

Các quan chức cao cấp trong chính quyền ông Trump cũng đã bày tỏ lo ngại về việc ông Trump có thể để ông Putin gây phương hại tới các đồng minh tại châu Âu, nhất là sau khi họ chứng kiến ông Trump chấp nhận những thỏa thuận mơ hồ về phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết:" Ai có thể dám nói rằng tại Helsinki ông Trump và ông Putin không nhất trí rằng, Nga sẽ không còn gây đe dọa cho các nước còn lại của châu Âu".

Các lo ngại về những cam kết của ông Trump với các đồng minh châu Âu và sự chiều theo Nga tại hội nghị thượng đỉnh NATO có vẻ đã lộ ra khi ngày 12/7, ông Trump nói các đồng minh châu Âu phải tăng đóng góp chi tiêu quốc phòng hoặc phải từ bỏ sự hỗ trợ của Mỹ.

Ông Trump dường như đã vỗ mặt các đồng minh của Mỹ khi ông trả lời các phóng viên tại Brussels rằng, cuộc họp của ông với ông Putin là thoải mái nhất trong chuyến thăm châu Âu kéo dài một tuần.  

Các quan chức châu Âu và một số quan chức Mỹ đặc biệt lo ngại về khả năng  ông Putin yêu cầu ông Trump hoãn các cuộc tập trận của NATO tại các quốc gia Baltic, cửa ngõ của Nga.

Trong khi ông Trump nói ngày 12/7 rằng, ông hy vọng cuộc họp thượng đỉnh tại Helsinki chỉ là một cuộc họp nhẹ nhàng, thư thái, một số quan chức Mỹ lại cho rằng, cuộc họp này sẽ không tạo ra bước đột phá nào.

" Nếu chỉ dựa trên những cách mà mọi việc được hình thành, tôi nghĩ rằng, hội nghị không nhiều sự kiện tại Helsinki có thể sẽ đem lại những điều tốt đẹp nhất cho nước Mỹ," thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc tế, nói với Reuters.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG