Tiếng kêu cứu từ lục địa đen, Trung Quốc có đáp lời?

Tranh minh hoạ: SCMP
Tranh minh hoạ: SCMP
TPO - Các quốc gia châu Phi dự kiến sẽ hứng chịu những tác động kinh tế khủng khiếp từ đại dịch COVID-19 và đang khẩn cầu được hoãn trả hàng tỷ đô la tiền vay nợ đã đến hạn thanh toán. Hầu hết số tiền nợ đó liên quan đến Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất ở châu lục, nhưng chưa rõ Bắc Kinh sẽ trả lời thế nào. 

Angola, Zambia, Sudan và CH Congo là những người đang khẩn cầu, nói rằng họ cần phân bổ lại ngân sách để tăng đầu tư cho y tế và trang bị cho bệnh viện để chống virus corona. Châu Phi không bị COVID-19 tấn công trong giai đoạn đầu, nhưng số ca mắc tính đến cuối tuần qua đã tăng lên 44.000 và 11.771 trường hợp tử vong. 

Yun Sun, một nhà nghiên cứu tại Sáng kiến tăng trưởng châu Phi thuộc Viện Brookings ở Washington, nói rằng Bắc Kinh khó có khả năng sẽ đi theo cách tiếp cận đơn phương trong hoãn nợ. 

“Thay vì hoãn nợ, xoá hay tái cấu trúc các khoản nợ, đổi nợ lấy tài sản là sách lược mà Trung Quốc hay sử dụng”, bà Sun nói. 

Khi virus tiếp tục lây lan rộng hơn ở châu Phi, sự tàn phá kinh tế mà nó gây ra ở những nơi khác trên thế giới cũng đã tác động tiêu cực lên các nền kinh tế ở lục địa này. 

Giá dầu sụt giảm ảnh hưởng đến các nước khai thác dầu mỏ như Angola, Nigeria, CH Congo, Guinea Xích đạo và Nam Sudan, trong khi các nước phụ thuộc vào du lịch như Seychelles và Mauritius đối mặt với suy thoái. Zambia, Botswana, CH Dân chủ Congo, Nam Phi và Zimbabwe đều đang hứng chịu hậu quả của tình trạng sụt giảm nhu cầu mua những loại hàng hoá mà họ làm ra. 

Ngày 26/3, các nước châu Phi khẩn cầu gói cứu trợ 100 tỷ USD, trong đó có đề nghị xoá 44 tỷ USD tiền vay nợ, từ nhóm G20, trong đó có Trung Quốc. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính cho đến năm 2018, châu Phi nợ các chủ nợ bên ngoài tổng số 584,3 tỷ USD. 

Cho đến nay, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chấp thuận cho hoãn trả số tiền 500 triệu USD trong 6 tháng cho 25 quốc gia, trong đó có 19 quốc gia ở châu Phi. Giữa tháng 4 vừa qua, G20 đồng ý hoãn trả nợ theo cơ chế song phương cho các nước thu nhập thấp. 

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có cho các nước châu Phi hoãn nợ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nairobi nhắc lại tuyên bố ngày 16/4 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiện. 

“Theo đồng thuận của G20 về giảm nợ, Trung Quốc sẽ giúp các nước nghèo nhất tập trung vào nỗ lực chống đại dịch và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội”, ông Triệu nói trong một thông cáo. 
Scott Morris, một nhà nghiên cứu cứu cấp cao tại Trung tâm phát triển toàn cầu ở Washington, nói rằng Bắc Kinh cần đóng vai trò dẫn đầu trong các cuộc đàm phán về nợ, nhấn mạnh rằng thoả thuận của G20 phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của Trung Quốc, vì Bắc Kinh là chủ nợ lớn. 

“Tin tốt là cam kết cơ bản trong tuyên bố của G20 được Trung Quốc ủng hộ”, ông Morris nói, nhưng cho rằng khó có thể chắc chắn về cách làm của Bắc Kinh. 

Tháng 4 vừa qua, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi thuộc tiểu vùng Sahara sẽ giảm 1,6% trong năm nay, mức tồi tệ nhất trong 50 năm qua, khi các quốc gia đang triển khai các biện pháp phong toả, giới nghiêm và đóng cửa biên giới để ngăn COVID-19 lây lan. 

Ngày 15/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng kêu gọi Trung Quốc giảm nợ hoặc hoãn nợ cho các nước châu Phi. “Tôi không hoài nghi việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cử chỉ lớn” trong việc giảm hoặc hoãn nợ cho châu Phi. 

Trung Quốc không công bố số liệu cho vay nước ngoài, nhưng thống kê của Sáng kiến nghiên cứu châu Phi Trung Quốc tại Trường nghiên cứu quốc tế thuộc ĐH Johns Hopkins cho thấy Bắc Kinh cho 49 chính phủ châu Phi và các công ty nhà nước vay hơn 143 tỷ USD trong thời gian từ năm 2000 đến 2017. 

Jubilee Debt Campaign, trụ sở tại London, ước tính Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 tổng số tiền nợ của châu Phi.

Bắc Kinh đã rót hàng tỷ đô la vào lục địa này trong thập kỷ qua theo sáng kiến Vành đai Con đường để xây dựng đường sá, cảng biển, đập và đường sắt nhằm mở rộng kết nối thương mại và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Nhiều chính phủ, chủ yếu ở phương Tây, chỉ trích chương trình này tạo ra bẫy nợ cho các nền kinh tế đang phát triển. 

Ngày 22/4, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có người hay chỉ trích Trung Quốc như ông Ted Cruz, gửi thư đến Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói rằng cần có thêm ủng hộ của IMF và WB cho các nền kinh tế bị tổn thất vì COVID-19, để các khoản nợ do sáng kiến Vành đai Con đường không dẫn đến tình huống mà “những người nộp thuế Mỹ và các nước phương Tây khác về cơ bản sẽ cứu trợ các thể chế tài chính Trung Quốc và tạo điều kiện tốt cho ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc”. 

Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận các cáo buộc tạo ra bẫy nợ, nói rằng họ đang giúp châu Phi tăng trưởng trong khi những nước khác bỏ rơi lục địa này.

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
Vì sao giá vé máy bay tăng cao?
TPO - Hiện nay dòng máy bay Airbus A321 Neo có phần linh kiện đang trong thời gian bảo trì bảo dưỡng. Theo yêu cầu của nhà chế tạo, hàng loạt máy bay đã phải triệu hồi, phải dừng các chuyến bay bằng dòng máy bay này. "Các hãng nội địa của chúng ta dùng dòng máy bay này là chính nên dẫn đến việc hạn chế, thiếu hụt máy bay. Đây là một tác nhân cho việc giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua" - Cục Hàng không thông tin tới lãnh đạo TP. Đà Nẵng. 
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.