Tình báo Triều Tiên - Hàn Quốc bí mật duy trì đường dây liên lạc giữa lúc căng thẳng?

Binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên ở khu phu quân sự (DMZ). Ảnh: Tân Hoa Xã
Binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên ở khu phu quân sự (DMZ). Ảnh: Tân Hoa Xã
TPO - Việc Triều Tiên tuyên bố “từ chối lời đề nghị gửi đặc phái viên đến Bình Nhưỡng của Hàn Quốc” đã làm dấy lên đồn đoán rằng giữa hai nước vẫn duy trì đường dây liên lạc sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố cắt đứt mọi đường dây nóng.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay, 17/6, thông báo Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị cử đặc phái viên đến gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng em gái ông Kim – bà Kim Yo-jong – đã thẳng thừng từ chối.

Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều không tiết lộ cách thức trao đổi giữa hai miền. Trong khi Bình Nhưỡng trước đó đã tuyên bố cắt đứt mọi đường dây liên lạc với Seoul, bao gồm đường dây văn phòng liên Triều, đường dây quân sự, đường dây thử nghiệm liên Triều và đường dây nóng của các nhà lãnh đạo.

Điều này làm dấy lên đồn đoán, rằng cơ quan tình báo hai nước vẫn duy trì một đường dây liên lạc bí mật ở “hậu trường”. Vì trong thông báo cắt đứt liên lạc của Bình Nhưỡng không đề cập đến đường dây nóng giữa Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc với Uỷ ban Thống nhất Triều Tiên.

Đường dây này được thành lập sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il hồi năm 2000.

Đường dây không được sử dụng trong suốt quãng thời gian Seoul và Bình Nhưỡng lạnh nhạt. Nhưng đã được khôi phục vào năm 2018, khi hai nước đàm phán việc đưa phái đoàn Triều Tiên đến Hàn Quốc dự Thế vận hội PyeongChang.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang hồi tuần trước, sau khi Bình Nhưỡng gọi Seoul là "kẻ thù" và bất ngờ ngừng trả lời cuộc gọi từ Hàn Quốc.

Động thái này được Triều Tiên đưa ra nhằm đáp trả việc Hàn Quốc để người đào thoát thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới.

Mới đây, ngày 16/6, Triều Tiên đã cho nổ tung Văn phòng Liên lạc chung ở thành phố Kaesong, sau khi bà Kim Yo-jong - em gái Chủ tịch Kim Jong-un - gọi đây là một công trình "vô dụng".

Theo Theo Yonhap
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.