Toan tính của các bên trước vòng đàm phán thứ 8 về Syria

Ảnh: RT
Ảnh: RT
TPO - Chính trường Syria thời kỳ hậu chiến thực sự bước vào giai đoạn nóng bỏng nhất từ trước đến nay, thể hiện qua những toan tính của các bên trước vòng đàm phán về tương lai của Syria tại Geneva (Thụy Sĩ).

Vòng đàm phán thứ 8 về hòa bình Syria

Theo đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, vòng đàm phán mới do Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian nhằm chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng kéo dài 6 năm ở Syria sẽ được tổ chức tại Geneva vào ngày 28/11 tới.

Trong vòng đàm phán thứ 8 này, các bên liên quan sẽ tập trung vào các vấn đề chủ chốt như: chính quyền trung ương và địa phương, một hiến pháp mới, các cuộc bầu cử được Liên hợp quốc giám sát và cuộc chiến chống khủng bố...

Kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria bùng phát năm 2011, đã có tổng cộng 7 vòng đám phán về hòa bình tại Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc với sự tham gia của các bên có lợi ích liên quan nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Syria.

Tuy nhiên, 7 vòng đàm phán trước đó không đạt nhiều kết quả khi tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là vấn đề gây chia rẽ nhiều nhất. Các nhóm đối lập Syria và nhiều cường quốc phương Tây yêu cầu ông al-Assad phải ra đi.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Syria với vị thế quân sự đang lên và hiện tại đang kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria từ tay lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã kiên quyết không nhượng bộ trong vấn đề này.

Nga-quốc gia có vai trò quan trọng số một trong cuộc nội chiến 6 năm tại Syria cũng luôn ủng hộ Tổng thống al-Assad với lý do ông là nhà lãnh đạo Syria được bầu một cách hợp hiến.

Cuộc xung đột tại Syria nổ ra từ năm 2011 và đến nay đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, buộc hàng triệu người bên trong lãnh thổ Syria phải di tản và tìm kiếm nơi ẩn náu ở nước ngoài.

Nga và các đồng minh họp bàn tại Sochi

Nhằm dọn đường cho các cuộc thương thuyết về tương lai Syria thời kỳ hậu chiến, Nga và các đồng minh tại Syria đã tích cực chuẩn bị các điều kiện chính trị cho vòng đàm phán hòa bình về Syria mới dự kiến diễn vào ngày 28/11 tại Geneva.

Việc liên minh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến tại Syria năm 2011 là một minh chứng rõ nét nhất.

Ngày 22/11, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh lần đầu tiên tại thành phố Sochi (Nga) để tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Ngau sau khi cuộc họp kết thúc, nguyên thủ 3 nước đã ra tuyên bố chung.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, lãnh đạo ba nước đã thông qua tuyên bố chung, trong đó xác định những lĩnh vực ưu tiên hợp tác về vấn đề Syria.

Ngay sau khi tuyên bố được đưa ra, Bộ Ngoại giao Syria đã bày tỏ sự hoan nghênh và nêu rõ, Chính phủ Chính phủ Syria hoan nghênh tuyên bố chung cuối cùng của cuộc gặp thượng đỉnh ba bên diễn ra tại Sochi (Nga). 

Ngoài ra, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ- Iran còn đạt được sự nhất trí chung trong việc tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại thành phố Sochi (Nga) trong thời gian tới. Hội nghị này dự kiến sẽ có sự tham gia rộng rãi của các phe phái chính trị tại Syria. Đồng thời, hội nghị này có tầm quan trọng rất lớn trong việc định hình tương lai chính trị của Syria thời kỳ hậu chiến.

Phe đối lập nhóm họp tại Riyadh

Dường như cùng lúc, ngày 22/11, tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, đại diện các lực lượng đối lập ở Syria đã nhóm họp để thành lập đoàn đàm phán và thống nhất các quan điểm trước khi tới Geneva tham dự vòng đàm phán hòa bình thứ 8 về Syria dự kiến diễn ra vào ngày 28/11/2017.

Phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp của phe đối lập Syria tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura kêu gọi tất cả các chính trị gia Syria hướng tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá này.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubair khẳng định nước này sẽ hỗ trợ Syria tìm kiếm một giải pháp phù hợp. Theo Ngoại trưởng al-Jubair, giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Syria là thông qua sự đồng thuận có thể đáp ứng đòi hỏi của người dân nước này trên cơ sở nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Cuộc họp của phe đối lập sẽ kéo dài đến ngày 25/11 và các bên dự  kiến sẽ ra tuyên bố chung. Cuộc họp này chủ yếu tập trung nhất mạnh sự thống nhất quan điểm trước vòng hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm ở Syria dự kiến diễn ra vào ngày 28/11/2017. 

Theo các chuyên gia phân tích, các bên liên quan tại Syria đang tích cực các hoạt động ngoại giao con thoi nhằm chuẩn bị các lá bài chính trị trước thềm vòng đám phán thứ 8 về hòa bình tại Syria dự kiến được tổ chức tại Geveer vào cuối tháng 11/2017.

Thông qua các cuộc họp thượng đỉnh trên, các bên liên quan nỗ lực tìm kiếm lợi ích tối đa tại Syria. Điều này phản ánh những toan tính chiến lược của các bên có lợi ích liên quan trong ván cờ Syria thời kỳ hậu chiến.

Như vậy, có thể thấy rằng sau khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS bị quét sạch khỏi Syria, vấn đề mà các bên đang toan tính hiện nay là tìm kiếm lợi ích tối đa từ Syria trong thời kỳ hậu chiến.

Những toan tính này được sự báo sẽ khiến cho tương lai Syria-một quốc gia Trung Đông vốn chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu suốt 6 năm qua, ngày càng tiềm ấn nhiều nhân tố khó xác định.

MỚI - NÓNG