Tổng thống Duterte làm gì để vực dậy kinh tế Philippines?

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Philstar
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Philstar
TPO - Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nắm quyền, nền kinh tế Philippines đạt tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Thành tựu ấn tượng đó không thể phủ nhận công lao lớn từ những chính sách cải cách của ông Duterte.

Hồi tháng 8/2017, Cơ quan thống kê quốc gia Philippines thông báo, GDP của quốc gia Đông Nam Á này tăng 6,5% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo 6,2% của Ngân hàng Thế giới (WB). Mức tăng trưởng này chỉ đứng sau Trung Quốc ở khu vực châu Á, 6,9%.

Xuất khẩu của Philippines trong trong sáu tháng đầu năm tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu dùng hộ gia đình cũng tăng 5,9%, trong khi đó, chi tiêu công tăng 7,1%.

Năm ngoái, nền kinh tế này tăng trưởng 6,9%, mức cao nhất trong vòng ba năm qua. Bộ trưởng Kế hoạch kinh tế Philippines Ernesto Pernia tuyên bố, nền kinh tế Philippines đang vận hành tốt, và đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7,5% trong năm nay.

Đáng nói, thành tích đáng nể trên đạt được kể từ khi Rodrigo Duterte giữ vị trí người đứng đầu Philippines vào tháng 5/2016.

Cụ thể, sau khi nhậm chức, Tổng thống Duterte nhận thức được nếu cơ sở hạ tầng yếu kém, thì nền kinh tế không thể khởi sắc được. Thời điểm đó, Philippines đứng thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng chất lượng cơ sở hạ tầng của các quốc gia thế giới. Điều này khiến Philippines thiệt hại từ 30-37 tỷ USD mỗi năm.

Với lý do đó, ông Duterte tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, để từ đó tăng sức cạnh tranh và tạo động lực phát triển cho kinh tế đất nước.

Vì thiếu thốn về ngân sách, ông lựa chọn hình thức PPP làm chủ đạo, tức là kết hợp đầu tư nhà nước và tư nhân.

Hình thức này không phải mới. Nó từng được áp dụng nhiều dưới thời Tổng thống Benigno Aquino, nhưng không hiệu quả, lập ra rồi bỏ đó, thậm chí còn bị mỉa mai với cái tên dự án trình bày (Power-Point Presentations).

Khác với chính quyền của người tiền nhiệm, Tổng thống Duterte thuộc trường phái hành động. Ông đặt việc thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án PPP làm trọng tâm, nhận được sự ủng hộ lớn từ các doanh nghiệp tư nhân.

Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng này mang tên Dutertenomics, đặt theo tên Tổng thống Philippines, được chính phủ nước này chính thức công bố hồi tháng 4 năm nay.

Chính quyền của ông Duterte cũng chú trọng tới xóa đói giảm nghèo, đặt mục tiêu giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 14% vào năm 2022, so với mức 21,6% trong năm 2015. Giải pháp là tăng việc làm và đầu từ vào nguồn nhân lực. Chính sách cải cách còn kết hợp với xây dựng luật về kế hoạch hóa gia đình, giúp giảm thiểu tình trạng đói nghèo ở những khu vực xa xôi.

Ngoài ra, chính phủ Philippines sẽ tập trung thực hiện và hoàn tất tới 55 dự án quan trọng và mang tính đổi mới trước năm 2022, nhằm đưa Philippines hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu này chiếm 7% GDP của Philippines, trị giá khoảng 160 tỷ USD.

Không dừng lại ở đó, ông Duterte tạo điều kiện cho phát triển kinh tế tư nhân, tập trung vào tăng trưởng của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thậm chí, ông còn quyết liệt hơn khi mở rộng hoạt động đầu tư tư nhân, phải kể đến việc dỡ bỏ rào cản Hiến pháp, cho phép đầu tư nước ngoài tham gia vào nền kinh tế.

Vì tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2017 cho danh mục này sẽ là 861 tỷ Peso (17,3 tỷ USD), chiếm 5,4% trong tổng chi tiêu ngân sách của năm, tăng 13,8% so với ngân sách năm 2016.

Tổng thống Philippines còn tranh thủ hợp tác kinh tế nước ngoài, trong đó Trung Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu.

Trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tới Philippines hồi tháng 3/2017, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác 6 năm bao gồm các khoản vay, hỗ trợ nghiên cứu khả thi, trợ cấp cho xây dựng cầu, một khu công nghiệp Philippines - Trung Quốc, đập, đường sắt và đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp…

Trung Quốc cũng cam kết tài trợ cho ít nhất ba dự án cơ sở hạ tầng của Philippines trị giá 3,4 tỷ USD, trong đó có hai dự án cơ sở hạ tầng có thể được triển khai vào nửa đầu năm 2017.

Từ kết quả hiện tại, rõ ràng, “nước cờ” của Tổng thống Duterte có hiệu quả, mang lại sự khởi sắc đáng kể cho nền kinh tế nước nhà.

Thành tựu ban đầu này mang lại sự tín nhiệm của người dân Philippines đối với Duterte. Các cuộc thăm dò dư luận sau khi ông Duterte trở thành Tổng thống cho thấy, 91% số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng với nhà lãnh đạo mới.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG