Tổng thống Mỹ Donald Trump giáng đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump giáng đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran
TPO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), khi không xác nhận Iran đang tuân thủ thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo có thể chấm dứt thỏa thuận lịch sử này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump giáng đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1

 Ảnh: AP

Ông Trump đã thông báo sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ khi phát biểu tại Nhà Trắng, theo đó nêu ra chi tiết về cách tiếp cận đối đầu hơn đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Tehran, cũng như việc nước này hỗ trợ các nhóm cực đoan ở Trung Đông. Tổng thống Trump nhấn mạnh mục tiêu của ông là đảm bảo Iran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, ông Trump cũng cảnh báo nếu "Mỹ không đạt được giải pháp khi phối hợp với Quốc hội và các đồng minh, thì thỏa thuận này sẽ bị chấm dứt". Dù Tổng thống Trump không rút Mỹ khỏi JCPOA, nhưng ông đã “đá bóng sang sân Quốc hội” với việc ra thời hạn 60 ngày để cơ quan lập pháp này quyết định xem liệu có áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran hay không.

Động thái này sẽ khiến căng thẳng giữa Washington và Tehran tăng cao, cũng như đẩy Mỹ vào thế bất đồng với Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và Liên minh châu Âu (EU).   

Phản ứng sau tuyên bố trên của Tổng thống Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng đây là bài phát biểu đầy "sự xúc phạm và những lời cáo buộc giả mạo đối với Iran".

Ông Rouhani tuyên bố: "Đất nước Iran không và sẽ không bao giờ quỳ gối trước bất cứ áp lực nước ngoài nào... Iran và thỏa thuận này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết..., IRGC sẽ tiếp tục cuộc chiến chống những kẻ khủng bố trong khu vực".

Bên cạnh đó, ông Rouhani cũng nói thêm rằng quyết định không xác nhận thỏa thuận sẽ cô lập Mỹ và các bên ký thỏa thuận vẫn cam kết thực thi nó. Thỏa thuận này là không thể đàm phán lại. 

Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông Macron đã trấn an ông Rouhani rằng Pháp cam kết thực thi thỏa thuận nói trên. Tổng thống Pháp khẳng định việc Mỹ quyết định không xác nhận thỏa thuận này sẽ không khiến nó kết thúc, và Paris cùng các đối tác châu Âu sẽ duy trì việc thực hiện các cam kết liên quan đến thỏa thuận này. 

Về phía Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng cảnh báo việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ giáng một đòn mạnh vào các mối quan hệ quốc tế và các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Phát biểu với báo giới tại Moscow, ông Peskov nêu rõ: “Điều này có thể khiến tình hình thêm trầm trọng liên quan tới hồ sơ hạt nhân của Iran. Các hành động như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu môi trường an ninh, ổn định và nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân của toàn thế giới". Đại diện điện Kremlin nhấn mạnh Nga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của mình nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Trước khi ông Trump có bài phát biểu trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tới JCPOA tiếp tục duy trì thỏa thuận này. Bà cho rằng JCPOA đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chế độ không phổ biến hạt nhân quốc tế cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hưởng ứng đánh giá trên của nhà cầm quyền Mỹ, ngày 13/10, quân đội nước này cho biết họ đang xem xét "toàn bộ bề rộng" của các hoạt động hợp tác an ninh, tình hình lực lượng và các kế hoạch nhằm hỗ trợ chiến lược mới của Tổng thống Trump đối với Iran.       

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway nêu rõ: "Chúng tôi đang xác định các lĩnh vực mới, nơi mà Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh nhằm gây áp lực đối với chế độ Iran, vô hiệu hóa ảnh hưởng gây mất ổn định của Tehran, và kiềm chế các dự án gây hấn bằng sức mạnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của nước này đối với các nhóm khủng bố và phiến quân".       

Tình hình càng trở lên nghiêm trọng hơn khi cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) liên quan đến cáo buộc lực lượng này hỗ trợ các tổ chức khủng bố ở Trung Đông, trong đó có có Hezbollah và Hamas, cũng như Taliban. Ngoài ra, bộ trên cũng trừng phạt 4 thực thể, trong đó 3 tại Iran và 1 tại Trung Quốc, liên quan đến cáo buộc cung cấp “hỗ trợ cho IRGC hoặc quân đội Iran”.

Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã dừng việc gọi IRGC là một tổ chức khủng bố, song khẳng định lực lượng này “đóng vai trò trung tâm trong việc đưa Iran trở thành đất nước tài trợ cho khủng bố rõ ràng nhất”. 

Tuy nhiên, phán đoán về tình hình hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Tổng thống Trump sẽ rút lại sự ủng hộ JCPOA song sẽ không chấm dứt thỏa thuận này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Tillerson cũng cho biết, Tổng thống Trump sẽ công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với IRGC, như trừng phạt cơ cấu tài chính của IRGC và nhằm vào các cá nhân cụ thể, đồng thời trừng phạt những người đang ủng hộ các kiểu hành động này".

Theo Theo Reuters, AFP, CNN
MỚI - NÓNG