Tranh luận khả năng Mỹ đưa quân trở lại Đài Loan

Máy bay quân sự Đài Loan (trái) bay sát một máy bay ném bom H6-K của Trung Quốc đại lục trên vùng trời phía nam Đài Nam hồi tháng 5/2018. (Ảnh: AP)
Máy bay quân sự Đài Loan (trái) bay sát một máy bay ném bom H6-K của Trung Quốc đại lục trên vùng trời phía nam Đài Nam hồi tháng 5/2018. (Ảnh: AP)
TPO - Khi cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Đài Loan bị nghi ngờ giữa bối cảnh Trung Quốc đại lục liên tục đe dọa dùng vũ lực với hòn đảo, một đề xuất trước đây bị coi là không tưởng giờ lại đang được thảo luận trong quân đội Mỹ. 

Quân Mỹ rút khỏi Đài Loan (Trung Quốc) sau khi Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh vào năm 1979. Đề xuất mới về việc tái thiết lập lực lượng đồn trú của Mỹ tại hòn đảo này đang gây ra nhiều tranh cãi.

Đề xuất được nêu ra trong bài viết trên Tạp chí quân sự Mỹ số tháng 9-10. Bài viết cho rằng để răn đe hiệu quả với mối đe dọa mà Đài Loan phải đối mặt trước quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, Mỹ “cần điều động lực lượng của mình theo cách chắc chắn sẽ gây ra xung đột lớn hơn và thực hiện cam kết rõ ràng của mình đối với phòng thủ của Đài Loan”.

 “Mỹ cần cân nhắc việc đặt lực lượng mặt đất ở Đài Loan nếu cam kết bảo vệ chủ quyền của Đài Loan”, bài báo viết.

 Bài viết cho rằng các lực lượng chiến đấu ở Đài Loan không thể đi xa đến mức đẩy lùi một chiến dịch của Trung Quốc đại lục qua eo biển, “nhưng sẽ đóng vai trò như một mắt xích để chắc chắn châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn và không thể chấp nhận đối với Trung Quốc”.

 Mỹ hiện duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” với Đài Loan, nghĩa là không tuyên bố rõ ràng có đưa lực lượng đến bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị đại lục tấn công hay không.

 Chính sách này dù bị chỉ trích vì tính bất định nhưng giúp cả hai bên linh hoạt trong phản ứng ngoại giao mà không gây ra xung đột. Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ khiến quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng càng leo thang.

 “Quyết định đưa quân Mỹ đến Đài Loan sẽ châm ngòi một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Trung và có thể kích động một cuộc tấn công vào Đài Loan mà chúng ta muốn tránh”, bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington, nhận định.

 Dù đã ngừng quan hệ chính thức với Đài Loan từ năm 1979, Mỹ tiếp tục bán vũ khí và duy trì chính sách mơ hồi chiến lược đối với phòng thủ của Đài Bắc.

 Nhưng Bắc Kinh ngày càng mạnh miệng, nhiều lần báo chí nhà nước đe dọa sẽ có chiến tranh với Đài Loan, khiến nhiều người cho rằng Washington cần có chính sách rõ ràng hơn.

 Theo bài viết nói trên, việc tái triển khai quân Mỹ đến Đài Loan sẽ là thay thế sự mơ hồ chiến lược bằng sự rõ ràng chiến lược, để tăng thêm sức nặng cho cam kết của Washington đối với Đài Loan và tạo sức mạnh răn đe đối với Bắc Kinh.

 Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh tạm thời chia cắt và nhiều lần tuyên bố có thể tái thống nhất bằng vũ lực. Trung Quốc cũng coi Đài Loan là một phần không thể thiếu trong tính toán quân sự lâu dài.

 Giới quan sát cho rằng một tương lai mà Đài Loan thuộc kiểm soát của Trung Quốc đại lục sẽ là thất bại chiến lược với Mỹ, vì điều đó sẽ giúp hải quân Trung Quốc tạo điểm tiếp cận chiến lược ra Thái Bình Dương, vượt qua cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất từ quần đảo Kurils đến Borneo.

 Mỹ lâu nay có thể ngăn cản hải quân Trung Quốc mở rộng hiện diện bằng cách duy trì quan hệ đồng minh với các nước và vùng lãnh thổ dọc chuỗi đảo này, bao gồm Đài Loan.

 Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đài Loan có thể không cần thiết, vì quân đội Trung Quốc dù đã lớn mạnh nhiều nhưng vẫn chưa đủ khả năng thực hiện một cuộc tấn công đổ bộ Đài Loan.

 “Họ (Trung Quốc) không có đủ năng lực không vận chiến lược hoặc năng lực hậu cần, nên không thể chở đủ lực lượng qua eo biển Đài Loan để thực hiện cuộc tấn công toàn diện. Về quân sự, quân đội Trung Quốc chưa sẵn sàng cho điều đó”, ông Adam Ni, một chuyên gia tại Trung tâm chính sách Trung Quốc ở Canberra, nói với Japan Times.

 Lực lượng quốc phòng Đài Loan ngày càng mạnh hơn, một phần nhờ vũ khí mua từ Mỹ. Những vũ khí mà Mỹ bán cho Đài Loan, bao gồm 100 hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon vừa được Washington chấp thuận, đều tập trung nâng cao năng lực phòng thủ của Đài Loan để đối phó với nguy cơ bị đại lục tấn công.

 Nhưng đưa quân đến Đài Loan sẽ tạo ra thách thức chính trị lớn cho Mỹ.

 Trung Quốc luôn nói đó là giới hạn đỏ, là sự vi phạm lời hứa rút quân và căn cứ khỏi Đài Loan theo nhiều thỏa thuận tiến tới bình thường hóa giữa Bắc Kinh và Washington.

 “Đưa quân đội Mỹ đến Đài Loan nghĩa là khởi đầu một cuộc chiến tranh giữa hai bờ eo biển. Luật chống ly khai đã có, Đài Loan và Mỹ nên chuẩn bị đối diện với quyết tâm của 1,4 tỷ dân đại lục và quân đội Trung Quốc nếu họ bước qua vạch đỏ”, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc viết  trong bài xã luận đăng gần đây.

 Tại Đài Loan, một số nghị sĩ phản ứng thận trọng với ý tưởng đón quân Mỹ quay lại.

 “Quân đội Mỹ không cần thiết phải đóng ở Đài Loan để răn đe. Tôi nghĩ hoạt động của quân đội Mỹ ở đây đã rất rõ ràng. Điều đó nghĩa là Trung Quốc không thể làm suy yếu ổn định và an ninh của khu vực này”, Lo Chih-cheng, một nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ nhân dân Đài Loan nói với báo Taiwan News.

 Nhiều chuyên gia cho rằng trong tương lai gần khó có khả năng Mỹ sẽ phá vỡ các thỏa thuận ngoại giao với Trung Quốc để đưa quân đến Đài Loan, dù thừa nhận\ chiều hướng quan hệ hai nước hiện nay để ngỏ cánh cửa dẫn tới khả năng đó.

Theo theo Japan Times
MỚI - NÓNG