Trò chơi Olympic

Trò chơi Olympic
TP - Olympic Seoul từ 9-25/2 không chỉ phô trương công nghệ mạng khủng 5G mà còn nhen “cơ hội làm lành” lịch sử ở bán đảo Triều Tiên sau gần 70 năm. Song có lẽ nó vẫn chỉ là tình huống chiến thuật để các đối thủ lựa chọn hành động nhằm tối đa hóa kết quả đạt được và “đảm bảo phá hủy lẫn nhau”.

Với cái nhìn tích cực, có quyền hy vọng sự “đẹp mặt” cho tất cả. Từ góc độ Triều Tiên, họ đã chứng tỏ khả năng uy hiếp chiến lược. Vụ báo động tấn công hạt nhân giả khiến 1,5 triệu người Hawaii náo loạn ngày 12/1 là ví dụ. Bình Nhưỡng cũng thừa biết khó có thể đạt bước tiến mới trong thời gian ngắn với trình độ hiện tại. Vả lại, dù có lẽ vẫn được đôi nước tìm cách tiếp sức, Triều Tiên khó có thể chịu thêm nữa sức ép cấm vận chưa từng có. Với Hàn Quốc, tổng thống Moon Jae-in khao khát khôi phục chính sách Ánh Dương hình thành cuối những năm 1990, coi làm lành với Triều Tiên làm trọng. Cử chỉ thân tình của bên kia khiến ông hân hoan ra mặt kể từ khi nhậm chức tháng 5/2017. Tổng thống thực dụng Donald Trump cũng không ít lần muốn gặp “người tên lửa” bên cạnh các trừng phạt nghiêm khắc cùng chiến lược “tâng bốc và xu nịnh” khá hiệu quả với Trung Quốc, nguồn gốc sâu xa của mọi rắc rối. Tóm lại, nếu ông Kim thức thời - tạm bằng lòng với kết quả bước đầu nhằm giải áp lực bao vây nghiệt ngã, đây quả thực là thời cơ dù chỉ như con chim bay qua cửa sổ.

Nhưng cũng chính ông Kim khiến nhiều người lo sốt vó. Kế tục “chiến lược đánh võng” mấy chục năm qua, đôi khi hòa đàm để tiếp tục lấn tới, ông Kim có thể dụng kế hoãn binh, rồi kỳ vọng Seoul với “thói quen đền đáp” phải nhún nữa. Hàn Quốc từng tặng láng giềng 500 triệu USD chỉ để họ dự một đàm phán cao cấp năm 2000 rồi chẳng đi đến đâu. Rồi ông Kim “mở lòng” đúng dịp thế vận hội tầm cỡ hành tinh biết đâu cũng chỉ muốn thế giới thấy nước ông và có thể cả bản thân ông vĩ đại nhường nào.

Đấy là chưa kể vũ khí hạt nhân được coi là đảm bảo duy nhất và sống còn cho sự tồn vong chế độ, cái ông thề không bao giờ mang ra mặc cả. Cũng chưa kể rất khó hoãn tập trận thường niên Mỹ-Hàn, thứ bị bên kia coi là điều kiện tiên quyết, vốn nằm trong khuôn khổ Lực lượng Hỗn hợp Quân sự Mỹ-Hàn có từ 1978. Tóm lại, chưa thấy cơ hội nào giúp hóa giải các mâu thuẫn cốt tử, hóa giải giấc mơ cường quốc hạt nhân Triều Tiên. Mùa Olympic, bởi thế, có lẽ vẫn chỉ là trò chơi.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.