Trừng phạt Trung Quốc, Mỹ chuyển từ 'chiến tranh' kinh tế sang quân sự

Trừng phạt Trung Quốc, Mỹ chuyển từ 'chiến tranh' kinh tế sang quân sự
TPO - Việc Mỹ công khai trừng phạt Bộ Phát triển trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu cơ quan này Trung tướng quân đội Trung Quốc Lý Thượng Phúc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang rất căng thẳng là động thái cho thấy phía Mỹ đã mở rộng chiến tranh từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực quân sự. 

Mỹ cấm vận quân sự Trung Quốc

Ngày 21/9, Nhà Trắng đột nhiên tuyên bố trừng phạt Bộ Phát triển trang bị Quân ủy trung ương Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu cơ quan này là Trung tướng quân đội Trung Quốc Lý Thượng Phúc.

Theo tuyên bố của người phát ngôn chính phủ Mỹ, hành động trừng phạt này được ban thành theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump sau khi đã có sự trao đổi bàn bạc giữa Ngoại trưởng Pompeo với Bộ trưởng Bộ Tài chính Mnuchin.

Lý do mà Mỹ đưa ra là Trung Quốc đã vi phạm luật pháp của Mỹ khi tiến hành giao dịch mua bán máy bay chiến đấu Su-35 và tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thương vụ mua sắm vũ khí quân sự này của Trung Quốc đã vi phạm “Bộ luật cấm vận kẻ thù tấn công Mỹ” được Mỹ thông qua năm 2017. Bộ luật này là nhằm trừng phạt Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2016.

Nội dung trừng phạt bao gồm: Từ chối phê chuẩn giấy phép xuất khẩu của EDD; cấm EDD tiến hành mọi giao dịch ngoại hối trong phạm vi quản hạt của nước Mỹ hoặc sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ và phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của EDD trong phạm vi kiểm soát của nước Mỹ.

Sự trừng phạt đối với Trung tướng Lý Thượng Phúc, Chủ nhiệm Bộ Phát triển trang bị Quân ủy bao gồm: Cấm ông này sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ và tiến hành giao dịch ngoại hối, phong tỏa mọi tài sản và lợi ích của ông trong phạm vi khống chế của Mỹ, cấm cấp visa nhập cảnh Mỹ cho ông Lý.

Động thái này của Mỹ đã gây sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc. Ngày 21/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu kiến Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc để phản đối.

Tiếp đó, tối 22/9, phía Quân đội Trung Quốc tuyên bố lập tức triệu hồi Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Trung tướng Thẩm Kim Long, đang ở Mỹ tham dự hội nghị quốc tế và có kế hoạch thăm Mỹ, đồng thời hoãn hội nghị theo cơ chế đối thoại ban tham mưu liên hợp quân đội hai nước Trung - Mỹ vốn dự định tổ chức vào cuối tháng 9 tại Bắc Kinh.

Đặc biệt, phía Trung Quốc còn loan tin hủy chuyến thăm Mỹ của Phó thủ tướng Lưu Hạc dự kiến từ ngày 27-28/9.

Động cơ nào từ Mỹ?

Việc Mỹ công khai cấm vận Trung tướng Quân đội Trung Quốc và Bộ Phát triển trang bị trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang rất căng thẳng là động thái cho thấy phía Mỹ đã mở rộng chiến tranh từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực quân sự.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, việc trừng phạt quân đội Trung Quốc còn là lời cảnh báo của Mỹ đối với Nga trong các thương vụ vũ khí với Trung Quốc. Và điều này được đích thân một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hành động này của Mỹ là nhằm trừng phạt Nga, không nhằm vào Trung Quốc và quân đội Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới phân tích quân sự của Nga và Trung Quốc lại cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào quân đội Trung Quốc không ảnh hưởng tới các kế hoạch mua sắm trang thiết bị quân sự của Trung Quốc đối với Nga.

Thượng nghị sĩ Nga Franz Klintsevich cho rằng, sự trừng phạt của Mỹ “không gây ra ảnh hưởng” đối với kế hoạch mua sắm quân sự từ Nga của Trung Quốc. Các giao dịch mua sắm trang bị quân sự của Trung Quốc từ Nga vẫn sẽ được thực hiện theo dự kiến.

Trong khi đó, nhà phân tích quân sự Hoàng Đông của Ma Cao (Trung Quốc) cho rằng, đây là lần đầu tiên Mỹ thực thi lệnh trừng phạt đối với quan chức cá biệt của quân đội Trung Quốc. Biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới sự hợp tác quân sự Trung-Nga.

Nhà phân tích quân sự Collin Koh đến từ Học viện nghiên cứu quốc tế The S. Rajaratnam School of International của Singapore cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ có thể gây ra những “ảnh hưởng mang tính tượng trưng”.

Như vậy, cùng với việc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất với những đòn đáp trả tương xứng nhằm vào nhau. Việc Mỹ cấm vận quân đội Trung Quốc như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng mở rộng, khó kiểm soát và sẽ gây ra ảnh hưởng sâu rộng tới lợi ích của các nước khác trong khu vực.

MỚI - NÓNG