Trung Quốc, Ấn Ðộ đồng ý hạ nhiệt biên giới

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) gặp ngoại trưởng Ấn Ðộ Subrahmanyam Jaishankar tại Moscow, Nga ngày 10/9. Ảnh: China Daily/REUTERS
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) gặp ngoại trưởng Ấn Ðộ Subrahmanyam Jaishankar tại Moscow, Nga ngày 10/9. Ảnh: China Daily/REUTERS
TP - Trung Quốc và Ấn Ðộ hôm qua  nói đã đồng ý giảm leo thang căng thẳng trên biên giới ở vùng núi Himalaya đang tranh chấp và thực hiện các bước để khôi phục hòa bình sau cuộc họp ngoại giao cấp cao ở Nga.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã gặp nhau tại Moscow hôm thứ Năm và đạt được đồng thuận 5 điểm, bao gồm thỏa thuận rằng quân đội hai bên nên nhanh chóng giải tán và giải tỏa căng thẳng, hai nước cho biết trong một tuyên bố chung.

Cuộc gặp giữa hai bên diễn ra bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, sau cuộc đối đầu giữa quân đội hai nước ở khu vực phía tây dãy Himalaya hồi đầu tuần.

“Hai ngoại trưởng nhất trí rằng, tình hình hiện nay ở khu vực biên giới không có lợi cho bên nào. Do đó, họ nhất trí rằng lực lượng trên biên giới của cả hai bên nên tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giải tỏa căng thẳng”, Reuters dẫn tuyên bố chung của ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Jaishankar nói với ông Vương rằng, nhiệm vụ trước mắt là cho quân đội thoái lui khỏi “các khu vực xung đột” để mọi thứ không trở nên tồi tệ hơn, một nguồn tin Ấn Độ cho biết. Ở một số địa điểm, lực lượng quân sự của đôi bên chỉ cách nhau vài trăm mét.

Trung Quốc và Ấn Độ cáo buộc nhau nổ súng lên không trung trong khi đối đầu, vi phạm thỏa thuận bấy lâu nay là không sử dụng súng ở biên giới.

Vào tháng 6, căng thẳng bùng phát thành một cuộc đụng độ ở biên giới, trong đó 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và Trung Quốc phải chịu một con số thương vong không xác định.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm thứ Tư đưa tin quân đội Trung Quốc (PLA) đang di chuyển binh lính, máy bay ném bom và xe bọc thép lên biên giới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây cũng đưa tin về cuộc tập trận có vũ trang của lính dù PLA ở Tây Tạng.

Thời báo Hoàn cầu nói trong một bài xã luận được công bố vào cuối ngày thứ Năm rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Ấn Độ đều nên được tiến hành song song với “sự sẵn sàng cho chiến tranh”.

Không bên nào chịu lùi bước

Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group dự đoán xác suất 60% về một kịch bản trong đó bế tắc tiếp tục với các cuộc giao tranh và bùng phát định kỳ, gây ra thương vong hạn chế.

“Cho đến nay, đã có nhiều vòng đàm phán, các cuộc gặp giữa các đại diện đặc biệt về vấn đề biên giới, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao, và không cuộc đàm phán nào trong số này thành công trong việc ngăn chặn các cuộc giao tranh mới”, các nhà phân tích Akhil Bery và Kelsey Broderick của Eurasia Group viết hôm thứ Năm, theo tin của NBC News. Họ cho rằng không bên nào chấp nhận lùi bước về vấn đề lãnh thổ.

Theo các nhà phân tích, về mặt chính trị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không thể rút lui.

“Ông ấy đã bị chỉ trích vì lần đầu tiên không thừa nhận các cuộc xâm nhập của Trung Quốc, và sau đó là thứ hai, tuyên bố rằng Trung Quốc đã không vào lãnh thổ Ấn Độ (mặc dù trong thực tế là có)”, các nhà phân tích nói và cho rằng, bất kỳ sự mất mát nào đối với Ấn Độ sẽ làm tổn thương “hình ảnh một người mạnh mẽ, bảo vệ Ấn Độ” của ông Modi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là cũng sẽ không lùi bước và “các dấu hiệu chỉ ra rằng biên giới vẫn sẽ nóng và bế tắc tiếp tục diễn ra khi cả hai bên đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài”.

“Điều này không có nghĩa là ngoại giao sẽ không tiếp tục. Các cuộc đàm phán cấp chỉ huy quân sự, cũng như các cuộc gặp ngoại giao vẫn sẽ diễn ra”, hai nhà phân tích nói thêm.

Eurasia Group cũng dự đoán có 25% cơ hội đàm phán ngoại giao thành công dẫn đến giảm leo thang và xác suất 15% cho một cuộc xung đột quân sự sâu hơn ở biên giới Trung-Ấn.

MỚI - NÓNG