Trung Quốc khủng hoảng thiếu thịt lợn, giá tăng gần gấp đôi

Thịt lợn giờ đây trở thành mặt hàng đắt đỏ nhất của các bà nội trợ Trung Quốc.
Thịt lợn giờ đây trở thành mặt hàng đắt đỏ nhất của các bà nội trợ Trung Quốc.
TPO - Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại Trung Quốc và khiến cho quốc gia tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới đang lao đao vì thiếu thịt, mặc dù người dân đã chuyển đổi sang một số loại thịt khác thay thế.

Theo Cục thống kê quốc gia của Trung Quốc ngày 15/10, giá thịt lợn hiện đã tăng lên 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này đã khiến cho lạm phát của Trung Quốc tăng 3% trong tháng 9.

Thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đã làm cho Trung Quốc, quê hương của một nửa số lợn trên thế giới, là khá lớn. Số lượng lợn ở Trung Quốc đã giảm khoảng 130 triệu con kể từ khi dịch bùng phát trong vòng 13 tháng qua. Rất nhiều nông dân đã phải miễn cưỡng mổ lợn vì lo ngại chúng sẽ bị lây bệnh.

Dịch tả lợn châu Phi cũng đã trở thành nỗi đau đầu của Trung Quốc nơi thịt lợn là khẩu ăn chính hàng ngày của người dân. Số lượng thịt lợn mà người Trung Quốc tiêu thụ chiếm tới 70% số lượng các loại gia súc khác. Trung bình, một người Trung Quốc tiêu thụ 20 kg thịt lợn trong một năm. Thịt lợn đã là một món ăn chính của người dân Trung Quốc hàng trăm năm qua.

Mấy ngày qua, giá lợn tăng chóng mặt đã là chủ đề phàn nàn chính trên các mạng xã hội Trung Quốc. Một số người cho biết, họ sẽ phải dần chuyển sang ăn chay. Một người sử dụng mạng Weibo cho rằng, thịt lợn giờ còn đắt giá hơn cả điện thoại Iphone.

Chính phủ vẫn khuyến khích người dân nuôi lợn

Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi lợn. Từ tháng 4 đến tháng 9 vừa qua, chính quyền đã rót khoảng 3,2 triệu nhân dân tệ (tương đương 452 triệu USD) để hỗ trợ các hộ chăn nuôi lợn có thu nhập thấp.

Các quan chức chính phủ thậm chí đã nói rõ với người dân về tình trạng khan hiếm thịt lợn. Điều này có thể sẽ làm ảnh hưởng tới sự ổn định xã hội.

Tuần này, báo chí Trung Quốc đưa tin, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đích thân tới thăm các quầy bán đồ ăn đường phố ở Tây An. Người bán hàng cũng bộc bạch với Thủ tướng rằng, họ buộc phải tăng giá hamburger do giá thịt lợn tăng.

Ngoài ra, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp linh hoạt để giải quyết tình trạng này. Chẳng hạn, tháng trước, chính phủ đã bán đấu giá 30.000 tấn thịt lợn đông lạnh tại một số kho dự trữ trung ương để bình ổn giá.

Một số người chăn nuôi thậm chí đã bắt đầu chuyển sang nuôi lợn béo hơn. Đây là một cách để tạo ra nhiều thịt hơn trước. Viện công nghệ Zhengbang tại Giang Tây cho biết, họ đã nhân giống lợn nặng tới 150kg trước khi mổ , nặng hơn 25% so với giống lợn trước kia.

Một trang trại lợn khác gần đây đã nhập khẩu khoảng 900 con lợn, trị giá gần 3 triệu USD từ Đan Mạch. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu lợn.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã mua thịt lợn từ nhiều nước khác trên thế giới để phục vụ nhu cầu của người dân. Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,3  triệu tấn thịt lợn trong 9 tháng đầu  năm 2019, tăng 44% so với năm ngoái. Việc nhập khẩu thịt bò cũng tăng lên hơn 50%.

Cuộc khủng hoảng thịt lợn cũng có thể ảnh hưởng tới cách Trung Quốc giải quyết những căng thẳng với Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, hai nước đat đạt được hiệp định đình chiến sơ bộ, trong đó bao gồm thỏa thuận Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.

Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng, giá thịt lợn sẽ còn tăng nữa, nhất là vào dịp tết nguyên đán sắp tới.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG