Trung Quốc nghiên cứu ‘áo’ mới cho vũ khí đưa ra biển Đông

Điều kiện khắc nghiệt trên biển Đông là thách thức lớn với quân đội Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
Điều kiện khắc nghiệt trên biển Đông là thách thức lớn với quân đội Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
TPO - Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang nghiên cứu công nghệ phủ mới cho những vũ khí và hạ tầng trên các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép trên biển Đông, nhằm giúp chúng có thể chống chọi thời tiết khắc nghiệt ở khu vực này.

“Ví dụ là một khẩu pháo chỉ hoạt động được trong 3 tháng vì bị hoen gỉ”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời một nhà nghiên cứu giấu tên tham gia nghiên cứu cho biết.

Nhưng không chỉ vũ khí bị hư hỏng. Các hệ thống tên lửa và radar, tường bến cảng, tòa nhà sân bay và đường băng, đường ống hay thậm chí cả móng của các đảo nhân tạo cũng nhanh chóng bị phá hỏng. 

Để cứu những tài sản này, quân đội Trung Quốc định sẽ bao phủ chúng bằng graphene, loại vật liệu do các nhà khoa học ở ĐH Manchester (Anh) nghiên cứu ra từ năm 2004. Vật liệu này rất mỏng nhưng cứng hơn thép 100 lần. 

Một viện nghiên cứu quân sự ở Thượng Hải đang tiến hành bước thử nghiệm cuối cùng đối với công nghệ phủ bằng graphene trước khi áp dụng, một nhà nghiên cứu khác tham gia nghiên cứu nói với SCMP. 

Lớp phủ được phát triển ở Ninh Ba, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, được nói là có giá rẻ hơn các sản phẩm tương tự trên thị trường, với chi phí khoảng 38-60 tệ/kg, trong khi những sản phẩm khác có giá 300-900 tệ. 

Dù lớp phủ này chưa được phê duyệt để sử dụng cho quân sự, một nhà nghiên cứu nói rằng nó đã được ứng dụng trong lĩnh vực dân sự.  Graphene đã được chứng minh là cực kỳ hữu ích trong ngành hóa học vì giúp bảo vệ đường ống khỏi bị mòn vì axit, áp suất và nhiệt độ cao. 

“Những thách thức đó lớn hơn nhiều so với điều kiện trên biển Đông”, nhà nghiên cứu nói, và cho biết các dây chuyền sản xuất của cơ quan này đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu.

“Trong tương lai, công nghệ này sẽ được sử dụng cho máy bay chiến đấu và tàu sân bay, và sẽ giúp tăng cường khả năng tàng hình”, nhà nghiên cứu cho biết thêm. 

Ông Hu Qigao, một giáo sư công tác tại ĐH Công nghệ quốc phòng Quốc gia ở Hồ Nam, nói rằng hoạt động xây đảo nhân tạo trong giai đoạn 2013-2015 của Trung Quốc đã hoàn thành quá nhanh nên gặp nhiều vấn đề. 

Theo ông Hu, vì lý do lịch sử, Trung Quốc vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ môi trường tự nhiên trên biển Đông và tác động của nó lên cấu trúc kỹ thuật của các đảo và rạn san hô. Việc thiết kế và triển khai các dự án cải tạo đảo diễn ra nhanh chóng để kịp thời hạn mà chưa có đánh giá khoa học sâu rộng và dài hạn.

Các yếu tố bất lợi bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, sương muối, không khí mặn và bức xạ mặt trời cao. 
“Các cấu trúc xi măng đã bắt đầu rạn nứt chỉ trong chưa đầy 3 năm và các thiết bị kim loại ngưng hoạt động chỉ trong vòng 1 năm vì bị ăn mòn”, ông Hu viết trên bài báo đăng gần đây. 

Những vấn đề đó gây đe dọa an toàn, và đang có quan ngại ngày càng lớn rằng liệu những hệ thống đó có thể chống chọi với các thảm họa thiên nhiên như bão lớn và sóng thần hay không, ông Hu nói. 

“Ăn mòn nhanh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các hệ thống kỹ thuật và cấu trúc, mà còn làm gia tăng chi phí hoạt động và bảo dưỡng”, ông Hu đánh giá. 

Hoen gỉ là vấn đề lớn với bất kỳ quân đội nào. Mỹ phải chi khoảng 21 tỷ USD để chống ăn mòn cho các máy bay chiến đấu, tàu, tên lửa và vũ khí hạt nhân, báo cáo của Lầu Năm góc đưa ra năm ngoái cho biết. 

Quân đội Trung Quốc không công khai chi phí này, nhưng Viện Khoa học Trung Quốc cho biết năm 2017 rằng nước này đã chi 300 tỷ USD năm 2014, tương đương 3% GDP, để đối phó với tình trạng ăn mòn. 

Ông Zhang Lei, phó giao sư công tác tại trung tâm bảo vệ và chống ăn mòn thuộc ĐH Khoa học và Công nghệ ở Bắc Kinh, nói rằng công nghệ phủ bằng graphene không phải không có vấn đề.
Graphene là một chất dẫn điện rất tốt, nên bất kỳ vết nứt hay xước nào trên bề mặt sẽ đẩy nhanh quá trình ăn mòn. Vì thế, graphene phải được trộn với các loại vật liệu khác để làm giảm tính dẫn điện, và việc chọn vật liệu chuẩn không phải chuyện dễ. 

Ông Cui Gan, phó giáo sư về công nghệ dân sự và ống dẫn tại ĐH Dầu khí Trung Quốc và là người từng nghiên cứu nhiều về vật liệu phủ dựa trên graphene, nói rằng sản xuất hàng loạt carbon mỏng rất khó vì chúng dễ bị vướng vào nhau. 

Nhưng vấn đề này và nhiều vấn đề khác có thể được giải quyết vì công tác nghiên cứu graphene trong phòng thí nghiệm vẫn đang tiếp tục. “Đây là loại vật liệu của hy vọng”, ông Cui nói. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.