Trung Quốc tính dùng vắc-xin COVID-19 để mở rộng ảnh hưởng

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
TPO - Các nhà ngoại giao “chiến binh sói” của Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý trong năm nay khi Bắc Kinh quyết liệt đáp trả những chỉ trích nhằm vào nước này vì đại dịch COVID-19. Nhưng cách làm của nước này sắp thay đổi khi Trung Quốc nỗ lực trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, bằng cách cung cấp khoản vay và ưu tiên vắc-xin cho các nước đang phát triển.

Trung Quốc đang là một trong những nước tiến triển nhanh nhất trong phát triển vắc-xin COVID-19. Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng nếu thành công, vắc-xin sẽ là “một hàng hoá vì lợi ích toàn cầu”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết như vậy trong hội nghị của cơ quan quản lý WHO hồi tháng 5. 

Sự bảo đảm này được đưa ra khi nhiều loại vắc-xin trên thế giới đang bước vào giai đoạn thử nghiệm quy mô lớn, chỉ còn một bước nữa là tiến tới khả năng được cấp phép. Tuy nhiên, tình trạng số lượng vắc-xin không đủ đáp ứng nhu cầu có thể tồn tại trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm vì các yếu tố hạn chế trong sản xuất. 

Vì vậy, các nước giàu có hơn như Mỹ, Anh và Nhật Bản đã đàm phán với những hãng dược lớn để mua trước vắc-xin cho công dân của mình. 

“Trung Quốc sẽ không hành động như một số nước và tìm cách độc quyền hay mua hết vắc-xin”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hồi tháng trước.

Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa nói rõ họ sẽ làm việc với các công ty trong nước như thế nào để bảo đảm vắc-xin trở thành “hàng hoá toàn cầu” trong khi phải đáp ứng cho chính dân số 1,4 tỷ người của họ.

Cho đến nay, Trung Quốc không phải thành viên của Covax, một cơ chế được WHO ủng hộ nhằm bảo đảm phân phối công bằng vắc-xin cho các nước thành viên, trong đó gồm cả những nước không thể mua. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang tiếp cận những nước đang phát triển. 

Nepal, Afghanistan, Pakistan, và Philippines được các nhà ngoại giao Trung Quốc nhắc đến gần đây là những nước có thể hưởng lợi từ vắc-xin do Trung Quốc sản xuất. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng trước thông báo nước này sẽ dành 1 tỷ USD cho các nước Mỹ Latin và Carribea vay để mua vắc-xin do Trung Quốc sản xuất, theo thông báo từ chính phủ Mexico. Hồi tháng 6, ông Tập khẳng định các nước châu Phi sẽ được ưu tiên tiếp cận “một khi quá trình phát triển và triển khai vắc-xin COVID-19 hoàn tất ở Trung Quốc”. 

Giúp các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vắc-xin sẽ là cách Trung Quốc gia tăng vị thế toàn cầu của mình, Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng đối ngoại ở New York, đánh giá. 

“Nếu Trung Quốc sử dụng “ngoại giao vắc-xin”, điều này sẽ giúp Trung Quốc tăng quyền lực mềm và làm sống lại sáng kiến Vành đai Con đường”, SCMP dẫn lời ông Huang. 

Với những ổ dịch bùng lên gần đây như ở Tân Cương, giới chức Trung Quốc bắt buộc phải có vắc-xin để loại bỏ hoàn toàn COVID-19. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có thể cung cấp vắc-xin ra nước ngoài trong khi triển khai chương trình tiêm chủng trong nước, ông Huang nhận định. 

Nếu Trung Quốc định cung cấp trên toàn cầu, họ sẽ tăng đáng kể năng lực sản xuất và điều chỉnh ngành công nghiệp tập trung vào thị trường nội địa theo hướng toàn cầu, các chuyên gia về vắc-xin cho biết. 

“Lâu nay Trung Quốc không phải nước lớn trong các chuỗi cung cấp vắc-xin toàn cầu, một phần vì họ là một nước rất lớn và có rất đông dân, nên thị trường trong nước cũng đã quá rộng”, ông John Donnelly, quản lý Vaccinology Consulting, một công ty tư vấn phát triển vắc-xin tại Mỹ, nhận xét. 

Dù nước này sản xuất hàng trăm triệu liều vắc-xin mỗi năm, dấu chân toàn cầu của Trung Quốc bị lấn át bởi các hãng Ấn Độ và phương Tây, theo số liệu của WHO. 

Trong những năm gần đây, 2 công ty Trung Quốc là Sinovac và Viện các sản phẩm sinh học Bắc Kinh hợp tác với Sinopharm được WHO công nhận, nghĩa là các sản phẩm của họ có chất lượng cao và đủ điều kiện để mua với số lượng lớn phục vụ các chương trình tiêm chủng của Liên Hợp quốc. 

Vắc-xin COVID-19 của những công ty đó cũng có thể sớm được công nhận nếu thành công. Nhưng do nhu cầu vắc-xin COVID-19 đang rất bức thiết, cơ quan tiêu chuẩn của các nước có thể cấp phép cho vắc-xin Trung Quốc mà không cần ý kiến của WHO, giúp các sản phẩm Trung Quốc có thêm thị trường, ông Donnelly nói. 

Tính đến tháng 7, có 13 công ty Trung Quốc đang xây dựng cơ sở để sản xuất vắc-xin COVID-19, theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước này. 

Trong các cơ sở sản xuất mới đó có 2 cơ sở của Sinopharm, hãng có vắc-xin đang được thử nghiệm ở UAE. Một cơ sở ở Vũ Hán được trang bị để sản xuất 100 triệu liều vắc-xin mỗi năm, trong khi cơ sở khác ở Bắc Kinh có năng lực sản xuất 120 triệu liều. Sinova, hãng có sản phẩm đang thử nghiệm ở Brazil, đang xây nhà máy có năng lực sản xuất 100 triệu liều. 

Một cách làm khác để đẩy nhanh quá trình sản xuất vắc-xin là chuyển giao công nghệ. 

Nhưng một trở ngại mà Trung Quốc có thể đối mặt là uy tín. Ngành công nghiệp vắc-xin của Trung Quốc trong những năm gần đây bị chấn động bởi hàng loạt vụ bê bối an toàn, trong đó có vụ vắc-xin không đạt tiêu chuẩn được tiêm cho trẻ em. 

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).