Trung Quốc xét xử 'Đại Hổ' nhận hối lộ số tiền kỷ lục

Phó tỉnh trưởng Giang Tây Hồ Trường Thanh nhận án tử hình năm 2000
Phó tỉnh trưởng Giang Tây Hồ Trường Thanh nhận án tử hình năm 2000
TP - Ngày 11/5, Tòa án thành phố Thiên Tân, Trung Quốc đã mở phiên tòa xét xử vụ án Triệu Chính Vĩnh, nguyên Ủy viên Trung ương khóa 18, Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế quốc hội phạm tội nhận hối lộ. Đây là quan chức cấp tỉnh, bộ đầu tiên bị xét xử trong năm 2020, Vĩnh đã nhận tội, nhưng mức án chưa được tuyên.

Theo các cáo buộc, từ năm 2003 đến 2018, Triệu Chính Vĩnh đã lợi dụng vị trí của mình để nhận bất hợp pháp số tiền lên tới hơn 717 triệu Nhân dân tệ (NDT). Số tiền Vĩnh nhận hối lộ đã phá vỡ kỷ lục lịch sử về tham nhũng của các quan chức lãnh đạo cấp tỉnh và trưởng bộ của Trung Quốc. Luật hình sự của Trung Quốc ban đầu quy định, số tiền nhận hối lộ từ 100 ngàn NDT trở lên và tình tiết đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị kết án tử hình.

Dưới thời ông Giang Trạch Dân giữ chức lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, tổng cộng có ba quan chức cấp tỉnh và trưởng bộ đã bị xử tử. Đó là Hồ Trường Thanh, Phó Tỉnh trưởng Giang Tây (tháng 3/2000), Thành Khắc Kiệt, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (tháng 9/2000), và Vương Hoài Trung, Phó Tỉnh trưởng An Huy (tháng 2/2004).

Dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, có một quan chức cấp tỉnh, bộ đã bị xử tử vào tháng 7/2007; cựu Cục trưởng Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trịnh Tiêu Du đã bị hành quyết. Vụ này được Nhân dân Nhật báo bình chọn trong top  mười tin hàng đầu trong nước năm 2007.

Cách đây mấy ngày, tờ Tin tức giám sát và kiểm tra kỷ luật Trung Quốc đã đăng một bài báo “Tiếp tục kiên trì nghiêm trị trong một thời gian dài” tiết lộ rằng từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (11/2012) đến cuối năm 2019, tổng cộng đã có 414 cán bộ cấp tỉnh, bộ, 18 ngàn cán bộ cấp sở, cục và 137 ngàn cán bộ ở cấp huyện, phòng bị xét xử.

Điều đáng chú ý là trong số 155 ngàn quan chức tham nhũng trên cấp quận, phòng trở lên chỉ có mình Trương Trung Sinh, cựu Phó thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây bị kết án tử hình. Sinh bị cáo buộc nhận hối lộ 1,04 tỷ NDT và 130 triệu NDT tài sản không rõ nguồn gốc. Vụ án Trương Trung Sinh được gọi là vụ án tử hình đầu tiên của các tội phạm tham nhũng kể từ Đại hội 18. Hiện tại, Tòa án Tối cao Trung Quốc đang phúc tra trường hợp này và không có thông tin công khai nào về việc thi hành án tử hình đối với Sinh.

Năm 2015, Trung Quốc sửa đổi Luật hình sự, sửa đổi án tử hình đối với tội nhận hối lộ từ số tiền hơn 100 ngàn NDT và tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, thành:  “số tiền hối lộ đặc biệt lớn và lợi ích quốc gia và nhân dân phải chịu tổn thất đặc biệt nghiêm trọng, sẽ chịu án tù chung thân hoặc tử hình”. Đồng thời, quy định quan chức tham nhũng nếu thú nhận tội ác của mình một cách trung thực, chân thành hối lỗi và chủ động trả lại tang vật trước khi tố tụng, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại thì có thể giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt. Sửa đổi Luật Hình sự cũng quy định rằng án tử hình hoãn thi hành án vì hối lộ sau 2 năm có thể giảm thành ngồi tù chung thân.

Tòa án và Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc giải thích rằng số tiền hối lộ 3 triệu NDT trở lên được coi là "số tiền đặc biệt lớn", nhưng 44 kẻ “quan chức tham nhũng trên 100 triệu NDT" đã ngã ngựa kể từ sau Đại hội 18 không có ai bị kết án tử hình. Nguyên nhân là có những điều được gọi là các tình tiết giảm nhẹ khoan hồng theo luật định nêu trên.

Trước Triệu Chính Vĩnh, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân khu tự trị Nội Mông Hình Vân, đã nhận hối lộ 449 triệu NDT, là quan chức cấp tỉnh, bộ tham nhũng lớn nhất sau Đại hội 18. Vào tháng 8/2019, vụ án Hình Vân đã được xử và Tân Hoa Xã đưa tin Hình Vân đã nhận tội, hối lỗi. Vào tháng 12 cùng năm, Hình Vân bị kết án tử hình hoãn thi hành, đổi thành tù chung thân, không được giảm án hay phóng thích.

 Cựu Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi nhận hối lộ 247 triệu NDT cũng tương tự. Tháng 6/2016, vụ án Bạch Ân Bồi được xử. Tân Hoa Xã đưa tin rằng ông đã nhận tội và ăn năn; tháng 10 cùng năm, Bạch Ân Bồi đã bị kết án tử hình hoãn thi hành, bị giam suốt đời và không được giảm án hay tha trước.

Khi đưa tin về vụ án Triệu Chính Vĩnh, Tân Hoa Xã nói Vĩnh đã nhận tội và ăn năn. Chi tiết này rất quan trọng, có thể phán đoán Triệu Chính Vĩnh đã thú nhận tội lỗi của mình. Từ các bản án của Hình Vân và Bạch Ân Bồi, tòa án rất có thể sẽ đưa ra phán quyết xử nhẹ hơn. Có thể là Triệu Chính Vĩnh vẫn giữ được mạng sống, cùng lắm là ngồi tù cả đời như hai người kia. Tuy nhiên, từ mức độ “tội trạng cực kỳ nghiêm trọng” của Triệu Chính Vĩnh trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương hồi tháng 1 năm nay, Vĩnh cũng có thể bị kết án tử hình.

Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho biết Triệu Chính Vĩnh là “một ví dụ điển hình về tham nhũng sau Đại hội 18 không ngừng tay, các manh mối của vấn đề được tập trung, quần chúng phản ánh mạnh mẽ, các vấn đề chính trị và kinh tế đan xen”. Ngoài “giao dịch lớn giữa quyền lực và tiền bạc”, Vĩnh còn bị tố "đối với đảng không trung thành và không kính sợ”, “ngoài thuận trong nghịch, tự ý làm càn”, “đi chệch khỏi đảng, phớt lờ tổ chức, coi thường sự giáo dục cứu vớt của tổ chức, nhiều lần lừa dối tổ chức”, là điển hình  về “người hai mặt”, “ngả theo chiều gió”. Triệu Chính Vĩnh phải nhận mức án như thế nào, người ta đành phải chờ đến ngày tòa công bố.

Trung Quốc xét xử 'Đại Hổ' nhận hối lộ số tiền kỷ lục ảnh 1 Triệu Chính Vĩnh khi còn giữ chức
 
Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.