Từ bỏ vũ khí hạt nhân: Nam Phi có thể là mô hình cho Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) có thể lựa chọn cách giống như Tổng thống Nam Phi F.W.de Klerk (phải). Ảnh: Getty Images.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) có thể lựa chọn cách giống như Tổng thống Nam Phi F.W.de Klerk (phải). Ảnh: Getty Images.
TP - Ông Kim Jong-un đi con đường Tổng thống Nam Phi F.W.de Klerk đã theo, quá trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên có thể suôn sẻ và giúp thay đổi hoàn toàn đất nước, chuyên gia nhận định.

Tổng thống Nam Phi F.W.de Klerk, người phá bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid, được lịch sử ghi nhận là nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước bị cô lập trên thế giới chủ động từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Một bài viết đăng ngày 22/5 trên tạp chí Mỹ Foreign Policy cho rằng Nam Phi khi vẫn còn theo đuổi chương trình hạt nhân có những nét tương đồng với Triều Tiên hiện nay.

Câu chuyện của Nam Phi không được nói đến trong những bàn luận sôi nổi hiện nay về ý định thực sự của Triều Tiên đối với kho vũ khí hạt nhân của họ. Cái được nói đến nhiều là “mô hình Libya”, nhưng cần nhớ rằng vào thời điểm cựu Tổng thống Muammar al-Qaddafi từ bỏ chương trình hạt nhân, Tripoli phải cần 5-10 năm nữa mới có thể chế tạo quả bom đầu tiên. Từ bỏ kho vũ khí hạt nhân đã được chế tạo xong và hoạt động được, giống như ông Klerk làm, là điều hoàn toàn khác. Triều Tiên được cho là đang sở hữu khoảng 60 vũ khí hạt nhân hoạt động được.

Kho vũ khí hạt nhân của Nam Phi được gỡ bỏ nhanh chóng, bí mật và đơn phương. Dù ngay cả khi viễn cảnh tốt đẹp nhất có thể không diễn ra với Bình Nhưỡng theo cách đó, nhưng vẫn có những điểm tương đồng khác.

Ông Klerk đối mặt với hai lựa chọn sau khi trở thành tổng thống năm 1989: tiếp tục cuộc chiến tranh kéo dài mấy thập kỷ của chính phủ với cộng đồng người da màu, sử dụng các phương pháp chuyên chế hơn, hay mở đường tiến tới giải quyết thông qua
đàm phán.

Tình hình hiện nay khiến ông Kim cũng đối diện với lựa chọn tương tự: Ông có thể chèo lái Triều Tiên thoát khỏi tình trạng muôn vàn khó khăn hiện nay để tiến tới tương lai mở cửa hay tiếp tục bị quốc tế bao vây cấm vận. Giống như Nam Phi vào cuối những năm 1980, Triều Tiên ngày nay theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân vì mục đích bảo đảm sự tồn tại của chế độ.

Vượt qua áp lực

Việc ông Klerk ra lệnh hủy bỏ chương trình đã khiến các quan chức quốc phòng nước này choáng váng vì chưa ai từng nghĩ đến điều này trước đó và những rủi ro từ việc làm này được xem là vô cùng lớn. Vũ khí hạt nhân là công cụ bảo đảm tối cao cho sự thống trị của người da trắng ở Nam Phi. Người tiền nhiệm của ông Klerk là P.W.Botha đã quyết liệt phản đối ý tưởng chấm dứt chương trình. Ông Botha tuyên bố rằng phá hủy kho vũ khí hạt nhân là phá hủy nhà nước của người Afrikaner, và nguy cơ dẫn đến bạo lực hoặc một cuộc đảo chính quân sự là điều khó tránh khỏi.
Ông Klerk khi đó cũng đối mặt với áp lực quốc tế cực kỳ lớn. Các báo cáo nói rằng Mỹ và Israel sợ nếu chính phủ của Đại hội dân tộc Phi do ông Nelson Mandela khi thừa hưởng năng lực vũ khí hạt nhân sẽ có thể bán công nghệ cho các chế độ chống phương Tây ở Libya, Cuba hay Iran để trả nợ cũ.

Một lo lắng khác đối với ông Klerk là mối đe dọa từ những người da trắng bất mãn đang làm trong chương trình hạt nhân vì những người này có thể bán vật liệu hoặc thiết kế bom để kiếm tiền hoặc đạt được những mục đích chính trị khác. Klerk sợ rằng những người này thậm chí có thể tống tiền chính phủ của ông nhằm bảo vệ chế độ apartheid.

Klerk hiểu rằng các quan chức quốc phòng cấp cao, đặc biệt là những nhà khoa học và kỹ sư đã dành mấy chục năm cho chương trình, cảm thấy bị phản bội. Nhưng ông cần phải thắng họ. Khi đó không có quy trình chính thức nào cho việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân. Các biện pháp để phi quân sự hóa kho chất nổ hạt nhân và urani được làm giàu cấp độ cao phải làm từ đầu. Trong một môi trường an ninh dễ biến động, một sai lầm hay hành động phá hoại có thể làm trật bánh giai đoạn chuyển đổi mà ông mong muốn.

Nhưng các quan chức đối kháng trong chính phủ cuối cùng đã được thuyết phục. “Từ đáy lòng chúng tôi hiểu đó là quyết định đúng. Những quả bom đó không phải thứ có thể sử dụng”, một nhà khoa học nói.

Nam Phi tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với tư cách một nhà nước không sở hữu vũ khí hạt nhân sau khi nước này hoàn tất quá trình dỡ bỏ một cách bí mật kho vũ khí của họ năm 1991. Bước đi này dẫn đến việc dỡ bỏ những biện pháp cấm vận chủ chốt và mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa Nam Phi với thế giới. Lo ngại những người Afrikaner theo chủ nghĩa dân tộc có thể dùng vũ khí hạt nhân để giữ quyền lực đã được dập tắt.
Là nước duy nhất từng chế tạo và tự nguyện phá bỏ tất cả vũ khí hạt nhân của mình, Nam Phi giành được vị trí cao trong cộng đồng quốc tế mà họ chưa từng có kể từ khi chấm dứt Thế chiến 2. Công sức của Klerk cũng được đền đáp. 6 tháng sau khi công khai tuyên bố phá hủy kho hạt nhân bí mật, ông được trao giải Nobel Hòa bình cùng ông Mandela vì công lao đặt nền móng cho dân chủ.
Theo bài viết trên Foreign Policy, nếu có tư tưởng cải cách như ông Klerk, ông Kim cũng có thể nhìn ra những gì ông có thể đạt được về đối nội. Nhưng không người ngoài nào thực sự biết liệu quá trình thay đổi căn bản như vậy ở Triều Tiên có thể diễn ra suôn sẻ hay không. Sự phản đối từ giới quân sự, khoa học, các quan chức cấp cao Triều Tiên có thể rất lớn. Hoặc ngược lại, ông Kim có thể là người ít muốn từ bỏ nhất, vì không nhìn ra bất kỳ giải pháp thay thế nào cho chính sách hạt nhân nguy hiểm. 

Trong lời đe dọa mới nhất gửi đến Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son Hui, mắng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “dốt về chính trị” khi so sánh Triều Tiên với Lybia, và đe dọa rằng việc Mỹ muốn gặp Triều Tiên trong phòng họp hay đối mặt trong cuộc so găng hạt nhân sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định và hành động của Mỹ, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin.

Tổng thống Trump hủy cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên

Ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore.

Quyết định của Tổng thống Trump được công bố trong một lá thư của Nhà Trắng.

“Chúng tôi đánh giá cao sự kiên nhẫn và nỗ lực của các ngài đối với các cuộc đàm phán và thảo luận gần đây liên quan hội nghị thượng đỉnh được cả hai bên mong đợi, vốn dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.

Đáng buồn thay, vì sự tức giận và thái độ thù địch công khai được thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của các ngài, tôi cảm thấy thời điểm hiện tại không phù hợp để tổ chức hội nghị thượng đỉnh”.

Trong lá thư mới công bố, Tổng thống Trump cảm ơn Chủ tịch Kim về việc thả 3 công dân Mỹ và nói rằng, lãnh đạo Triều Tiên có thể gọi điện thoại hoặc viết thư cho ông nếu thay đổi ý định.

Bức thư được gửi đi chỉ một vài giờ sau khi Triều Tiên tiến hành phá dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri.      

Minh Hạnh (Theo RT, Yonhap)

Triều Tiên hủy bãi thử hạt nhân

Theo truyền thông Hàn Quốc, ngày 24/5, chính quyền Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri nằm ở tỉnh Bắc Hamgyong.

Yonhap dẫn lời các phóng viên của nước này có mặt tại bãi thử cho biết đã nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trong ngày, kéo dài từ 11h đến 16h17 theo giờ địa phương (9h -14h17, theo giờ Việt Nam).

Chứng kiến lễ dỡ bỏ bãi thử hạt nhân có 28 nhà báo nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Hàn Quốc. Tuy vậy các chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định liệu việc phá bỏ trên có dẫn tới việc bãi thử này sẽ không còn sử dụng được nữa hay không.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng việc Triều Tiên đồng ý phá hủy bãi thử một cách vô điều kiện và không đòi hỏi điều gì đáp lại từ phía Washington cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi một cách nghiêm túc.

A.M

MỚI - NÓNG